Main menu:
Xuyên Việt 2009 (Đồng Bằng Ven Biển-Tây Nguyên-Đông Nam Bộ) 16/11/2009, "Xe Ðạp Xuyên Việt" khởi hành với ba thành viên (Minh, Persephone, Anh), một hướng dẫn viên (Phạm Ngọc Hiệp). Vì trục trặc VISA tại phi trường quốc tế San Francisco, Hàm Nguyễn và Tân Ðịnh bị trể chuyển bay về Việt Nam. Hàm nhập đoàn vào chặng thứ hai-chặng Bà Rịa-La Gi. Tân nhập đoàn vào chặng thứ tư-chặng Hòn Rơm-Liên Hương. Chúng tôi sử dụng một "road bike", bốn "touring bike", và một xe máy. Xuyên Việt Ðồng Bằng Ven Biển-Tây Nguyên- Ðông Nam Bộ thành công mỹ mãn. Yếu tố thành công của các cuộc hành trình xuyên Việt trên chiếc xe đạp là sự an toàn của từng thành viên. Từ lúc khởi hành tại bến phà Thủ Thiêm cho đến khi chấm dứt tại ngã tư Bình Phước, chúng tôi luôn chiếu cố và nhắc nhở nhau bảo vệ sự an toàn trên đường. Ở những chặng có mặt đường bị cầy xới vì công trình nâng cấp, chúng tôi chẳng ngần ngại xuống “ngựa” và dắt bộ qua khu vực nguy hiểm để tránh trợt ngã vì sỏi đá. Những chặng có gió Ðông-Bắc giật mạnh thì chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm để tránh bị sức mạnh thiên nhiên quật ngã. Ở những chặng bị vướng vào bóng đêm thì chúng tôi chia sẻ ánh đèn pha, chạy chậm và cùng nhau lần mò, la ó ra hiệu trong bóng đêm để tránh các ổ gà, ổ vịt và cũng để các bác xe tải có thể nhận dạng chúng tôi nhanh chóng trong ánh đèn xe của họ. Vì chẳng ngần ngại nhắc nhở nhau và sẳn sàng nhận sự “giáo huấn” từ bạn đồng hành nên sự an toàn trên đường đã được đảm bảo tuyệt đối. Không một sơ suất an toàn gây thiệt hại đáng tiếc nào đã xảy ra trong hành trình Xuyên Việt 2009. Kỷ Thuật: Qua kinh những kinh nghiệm đau thương, chúng tôi chỉ sử dụng xe đạp “tour” hoặc những xe đã được nâng cấp bánh xe trước và sau để tránh trục trặc nhứt nhối, khó sửa là sự gãy căm cong vành. Ngoài ba lần chúng tôi bị thủng lốp vì gai nhọn và đá dăm thì sự chuẩn bị chu đáo này cũng đã giúp Xuyên Việt 2009 thành công-không một cây căm bị gãy, không một bánh xe cong vành! Ðây là kinh nghiệm quan trọng cho những ai sử dụng xe đạp để đi du lịch trên các nẻo đường Việt Nam-đừng quên nâng cấp, hoặc chỉnh căm cho đúng kỷ thuật trước lúc khởi hành để tránh việc gãy căm, cong vành trên đường. Thiên nhiên-“Với sức người, sỏi đá cũng thành cơm!” chỉ có thể diển đạt trong những bài hát động viên, xem trời bằng vung, chứ khi đối diện với sức mạnh của thiên nhiên thì sức người chẳng là gì! Chúng tôi đi vào mùa gió Ðông-Bắc (tháng 11 đến tháng 4) nên những chặng đường dọc theo vùng đồng bằng và đất thấp ven biển về hướng Bắc đều hứng trọn gói của sức mạnh gió ngược. Ở những chặng ven biển, sức mạnh liên tục của gió đã rỉ rả, đục khoét tinh thần cũng như sức lực của mọi người. Nhiều lúc chúng tôi phải ngao ngán, uể oải trong việc vật lộn với sức gió để dành từng cây số hành trình. Sức mạnh của thiên nhiên đã làm cho chúng tôi hoảng sợ, nao núng khi những cơn lốc, cơn gió, giật mạnh đã đẩy chúng tôi vào lề, hoặc hất chúng tôi vào lòng đường dành cho xe tải. Ðể động viên cho nhau trong cuộc chiến dai dẳn với sức gió ngược, chúng tôi chia sẻ, thay đổi thức ăn nhanh, nghỉ giải lao thường xuyên để có thể duy trì sức lực. Vâng! có vướng vào sức mạnh của gió Ðông-Bắc trong chuyến XV 2009 mới cảm nhận sức con người thật là nhỏ nhoi khi đối diện với thiên nhiên. Hãy dành cho thiên nhiên một chổ đứng quan trọng khi lên chương trình du lịch Xuyên Việt vào mùa gió Ðông-Bắc. Ðịa Lý-gà mờ: Những chặng đường nằm trong vùng Tây Nguyên thì luôn cho chúng tôi những bất ngờ, lo sợ đến tắt mồ hôi. Dù đã nghiên cứu, đối chiếu địa lý kỷ lưởng từ những tay thổ địa hoặc qua mạng internet, nhưng khi đối diện với sự hùng vĩ, oằn oại của núi đồi thì đôi chân của chúng tôi chưa chạy đã rụn rời, chùng bước. Sự trùng điệp lên xuống của núi đồi trong vùng Tây Nguyên cộng thêm chất lượng kém khủng khiếp của các con đường đã khiến tốc độ hành trình của chúng tôi giảm đi rất nhiều. Những dử liệu thâu thập qua những người dân sống cạnh đường trong vùng đồi núi cũng mơ hồ như người đi trong sương. Có lúc họ cho chúng tôi biết là đoạn đường trước mặt chỉ có dốc lên xuống nhẹ thì chúng tôi phải đạp è cổ để chinh phục những ngọn đồi “nhẹ” của họ. Có khi họ trả lời cho chúng tôi biết đoạn đường còn lại ngắn tẹo thì chúng tôi chạy không kịp thở để hoàn tất trong những giờ cuối ngày. Càng hỏi nhiều thì chúng tôi mới nghiệm ra là người dân vùng Tây Nguyên ít đi xe đạp, nên dốc núi nhẹ trên xe honda trở thành những dốc nghiêng chọc trời cho dân đi xe đạp. Những đoạn đường ngắn tẹo trên lưng xế nổ thành những chặng đường dài lê thê cho người cưởi ngựa sắt. Nếu bạn du lịch vùng Tây Nguyên và sử dụng con đường HCM là tuyến đường chính thì chớ quên cảnh chập chùng, oằn oại của núi đồi là những đối thủ nặng ký, dể dàng kéo bạn vào bóng đêm khủng hoảng của rừng sâu. Xuyên Việt 2009 đánh dấu thêm sự trưởng thành trong kinh nghiệm đi tour của chúng tôi. Những kinh nghiệm non nớt, chập chững, đầy thiếu sót và lo sợ trong những chuyến đi đầu tiên đã thay thêm vào sự tự tin và vững chắc. Chúng tôi luôn lạc quang đối phó với những tình huống bất ngờ hoặc những trục trặc trên đường để chương trình luôn nhẹ nhàng và lý thú. Mười năm trong hành trình Xuyên Việt đã đưa chúng tôi đi thăm những thắng cảnh tuyệt vời của đất nước mà tiền nhân đã đổ xương máu để gìn giử cho con cháu, nhưng XV 2009 cũng đã cho chúng tôi thấy sự tàn nhẩn của con cháu đối với môi trường họ đang sống. Nhìn những ngọn đồi bị phá trọc những cây to, những thảo nguyên chỉ còn trơ chọi những gốc cây đã mục rửa, nhìn con sông con kênh đen kịt mùi hôi thối làm cho chúng tôi chua xót, thương cho thế hệ tương lai-họ còn được bao nhiêu dòng sông thơ mộng, còn được bao nhiêu ngọn đồi xanh um cổ thụ để làm của hồi môn? Mười năm! Ðất nước Việt Nam nhảy vọt về tất cả mọi mặt, kể cả số lượng ăng-kết của các tai nạn giao thông mà chúng tôi chứng kiến trên các con đường-một sự nhảy vọt đáng sợ! Ai sẽ xoa dịu những qủa tim đau khổ, tan tác, mất mát của nạn nhân trong các tai nạn giao thông vì sự bất cẩn, ẩu tả, vô trách nhiệm trên đường? Vì hạnh phúc và bình an của chính mình và cả tất cả mọi người, xin những bạn đang sử dụng những công cụ giao thông hãy luôn tỉnh thức, cẩn thận bảo vệ sự an toàn cho mình và mọi người. | |||
Ngày (Ngày-Tháng-Năm) | Lộ Trình | Đường Dài | Địa Hình |
16-11-2009 | Sài Gòn-Bà Rịa | 80 km (49.7 miles) | Đồng bằng + dốc lên xuống nhẹ |
17-11-2009 | Bà Rịa-La Gi | 88 km (54.9 miles) | vùng ven biển + dốc lên xuống |
18-11-2009 | La Gi-Hòn Rơm (Mủi Mé) | 96 km (59.7 miles) | vùng ven biển + dốc lên xuống |
19-11-2009 | Hòn Rơm-Liên Hương | 86 km (53.6 miles) | vùng ven biển + dốc lên xuống |
20-11-2009 | Liên Hương-Tân Sơn | 89 km (55.3 miles) | vùng ven biển + dốc lên xuống |
21-11-2009 | Tân Sơn-Đà Lạt | 74 km (46 miles) | Núi đồi lên xuống. Ðộ cao tăng |
22-11-2009 | Nghỉ chân ở Đà Lạt | ||
23-11-2009 | Đà Lạt-Xã Krông Nô (H. Lăk) | 119 km (74 miles) | Núi đồi lên xuống. Ðộ cao giảm. |
24-11-2009 | Krông Nô-Buôn Ma Thuột | 94 km (58.4 miles) | Núi đồi lên xuống. Ðộ cao giảm. |
25-11-2009 | Buôn Ma Thuột-Gia Nghĩa | 132 km (82 miles) | Núi đồi lên xuống. Ðộ cao giảm. |
26-11-2009 | Gia Nghĩa-Đồng Xoài | 117 km (72.7 miles) | Núi đồi lên xuống. Ðộ cao giảm. |
27-11-2007 | Đồng Xoài-Sài Gòn | 108 km (67.1 miles) | dốc lên xuống nhẹ. Ðộ cao giảm |
Chu vi Xuyên Việt-Ðồng Bằng Ven Biển-Tây Nguyên-Ðông Nam Bộ dài 1083 km (673 miles). Chia ra làm 11 chặng. Hoàn tất trong 12 ngày. |