- Xe Đạp Xuyên Việt

Go to content

Main menu:

An Toàn Xuyên Việt

Sau khi chuẩn bị xong hành trang, có lẽ bạn đang nôn nóng cho giờ…khởi hành.  Đừng nóng vội!  Kinh nghiệm từ những chuyến đi qua giúp chúng tôi hiểu an toàn cá nhân là một yếu tố hết sức quan trọng trong hành trình xuyên Việt.  Bất cứ một sơ xuất nhỏ nào xảy ra cũng sẽ làm cho chuyến đi của bạn bớt đi nhiều lý thú.  Chúng tôi xin chia sẻ với bạn những điều cần biết sau đây để bạn luôn được an toàn trên xa lộ xuyên Việt.

  1. Tuân theo luật đi đường.  Đây là điều đầu tiên mà bạn phải tuân giữ một cách tuyệt đối.  Không chỉ tuân theo những quy ước cơ bản của luật giao thông mà bạn còn hết sức chú ý khi quẹo trái, quẹo phải, băng qua đường, thay đổi lộ trình…Bạn biết đấy khi một tai nạn xảy ra, dù nhỏ thôi, cũng đủ làm cho bạn mất đi không biết bao nhiêu thời giờ quý báu; thậm chí có khi dẫn đến sự tổn hại về sức khỏe.  Cho nên, nhớ rằng, an toàn xuyên Việt không có chỗ cho…luật rừng!
  2. Thận trọng khi đi qua các thành phố hoặc các khu đông dân cư.  Bạn nên chạy chậm, luôn lưu ý những người bộ hành cũng như những người đi xe máy và xe đạp quanh bạn.  Nghĩ xem, đến những khu vực sầm uất, nếu bạn muốn đi nhanh thì bạn cũng chẳng thể nào phóng nhanh vượt ẩu trước dòng lưu thông dày đặc.  Đừng rút ngắn thời gian bằng cuộc…chay đua với biết bao người dân đang lưu thông bình thường trên đường.  Hành trình xuyên Việt của bạn còn cả ngàn cây số mới đến đích…Phóng nhanh vượt ẩu chỉ làm giảm sự an toàn của chính bạn và người đi đường.
  3. Đừng đùa với xe…đò!  Trên những đoạn đường dài, vắng dân cư thì bạn nên thận trọng để ý những xe đò, xe hàng, xe hơi đang giao thông trên đường.  Đừng tưởng mình là anh hùng mà chạy ngang dọc giữa trời, giữa đường, giữa xá!  Bạn nên nhớ là tốc độ bạn đi so với những xe đó thì thật là chậm như…rùa.  Có thể những chiếc xe ấy đang ở vị trí xa bạn, nhưng chẳng mấy chốc là chúng đã đến gần bên bạn.  Ở những đoạn đường vắng như thế, bạn nên đi sát lề đường và sẵn sàng nhường cho đường rộng mênh mông lại cho những ông tài xế xe tải mong về với vợ lớn, con ngoan.  Đừng bao giờ giỡn mặt với…tử thần!
  4. Đừng lạng lách!  Bạn đang chở theo những vật dụng cá nhân của một chuyến đi xa.  Tuy cắt giảm tối đa nhưng hành lý của bạn vẫn nặng như…ngọn núi Bà Đen!  Một va chạm nhỏ cũng có thể làm cho bạn mất thăng bằng và trượt ngã một cách dễ dàng.  Vào giờ cao điểm tại các đô thị đông dân, bạn nên chạy cẩn thận và theo dòng xe lưu thông.  Bạn phải cẩn thận kẻ cả lúc bạn vượt qua các bác công nhân đi xe thồ.  Đừng lạng lách một cách ẩu tả kẻo sự cố viếng thăm thì đã muộn màn.
  5. Tránh chướng ngại vật.  Cho dù đang vui vẻ, cao hứng trong cuộc hành trình, bạn cũng đừng quên việc quan sát đường đi.  Tránh ổ gà, ổ voi đã đành, bạn còn phải hết sức thận trọng lưu ý đến những chướng ngại vật mà ai đó đã bỏ lăn lóc bên đường.  Nếu bạn có tránh những củ khoai, những ụ cát bên lề thì cũng đừng để mình va vào các xe khác đang đi cùng chiều.  Ở những đoạn đường đang thi công, bạn nên chạy chậm và nên đi trên những dấu vết đã mòn trên đường.  Đừng có làm anh hùng mà chạy búa xua kẻo bị trược ngã vì sõi, đá…
  6. Tránh chạy hàng hai, hàng ba.  Tính đồng đội và tình đoàn kết rất cần thiết trong hành trình xuyên Việt vì sẽ giúp bạn phấn chấn hơn.  Tuy nhiên đừng thương nhau quá đến độ kết thành xe đạp hàng hai, hàng ba như các em học sinh vẫn thường đi.  Sự đoàn kết như thế chỉ làm cản trở lưu thông!  Đường xá ở Việt Nam vừa hẹp lại vừa lắm các loại xe nên tốt nhất là các bạn chạy theo hàng một.  Ngoài ra, nên chạy cách nhau một quãng vừa tầm để tránh va vào nhau mà vẫn có thế tiếp ứng và liên lạc được với nhau.
  7. Không đua xe tốc độ.  Hành trình xuyên Việt của của chúng ta không phải là cuộc tranh tài giải đua xe đạp.  Vì vậy bạn nên tránh chuyện đua tốc độ trên quốc lộ nhưng cũng không nên chạy quá chậm.  Hãy chạy với tốc độ vừa, đều.  Để xác định được vị trí giữa bạn và mục tiêu trong ngày, bạn nên có đồng hồ đo tốc độ “bike computer” để biết được tốc độ mình đang đi so với đoạn đường cần phải đạt, như thế, nếu có “cà kê dê ngỗng” dọc đường thì bạn luôn biết được vị trí của mình trong bất kỳ thời khắc nào.
  8. Cẩn thận khi leo đèo, vượt dốc.  Ở những đoạn nhiều dốc lắm đèo, bạn phải hết sức cẩn thận khi lên và xuống đèo.  Lúc lên thì bạn cần phải lưu ý đến những xe đang đổ dốc.  Nhiều tài xể chả biết học lái ở nơi mô, mà khi đổ đổ đèo thì chạy bán sống, bán chết như bị ma đuổi.  Xem thường mọi định luật căn bản của cơ học.  Đem tất cả sinh mạng của hành khách và mọi sinh linh trên đường để cá độ với tử thần!  Khi đến lượt bạn đổ đèo, bạn phải luôn chú ý đến tốc độ đổ đèo, cũng như luôn lưu ý đến tất cả những chướng ngại vật trên đường.  Ngoài ra bạn còn phải lưu ý đến người bộ hành, những xe đi trên đường, và cả những ngõ, ngách nhập vào đường chính.  Một điều bạn phải nhớ, không được quên, là luôn phải dùng thắng sau để kiểm soát tốc độ xuống.  Đừng dùng riêng thắng trước trong mọi tình huống nào
  9. Đừng mơ màng.  Trên con đường xuyên Việt bạn sẽ thấy cả vạn cảnh đẹp tuyệt vời.  Nào là những dãy núi trùng trùng điệp điệp, nào là những cánh đồng lúa xanh rì đang ỏng ẹo trước gió, nào là những cụm cỏ vàng úa bên vệ đường…Chao ôi, đẹp và nên thơ biết bao!  Những cảnh đẹp đó làm cho tinh thần bạn thêm sảng khoái và làm tăng lý thú của chuyến đi xuyên Việt.  Nếu lỡ mê quá, bạn có thể dừng lại ít phút để ngắm cảnh đẹp thơ mộng, chớp vài tấm hình làm lưu niệm hơn là thả hồn theo…mây mà quên đi sự an toàn của chính mình.  Nhớ rằng bạn đang bon bon trên đường bằng chiếc xe đạp đấy!  Đừng có một mắt nhìn đường, một mắt nhìn cảnh, gặp chuyện xảy ra thì…phiền to!
  10. Sự thật phủ phàng!  Ngoài việc tránh những ổ gà, hố voi trên đường, bạn nên lưu tâm đặc biệt đến những bức tranh “Picasso” mới keng của các họa sư tay ngang đã vẽ nguệch ngoạc trên mặt lộ.  Bạn ạ!  Đấy là những “ăng kết” của các tai nạn giao thông mà Cảnh sát đã vẽ để lập biên bản.  Ở đoạn đường có nhiều “ăng kết” như thế, bạn phải hết sức thận trọng vì những “ăng kết” chưa phai này là chứng từ hiển nhiên, phủ phàng, đích thực của sự giao thông không được an toàn.  Hãy luôn tỉnh táo để bảo vệ sự an toàn của chính mình.  Đừng có quá ỷ lại vào người khác, hoặc quá tự tin vào luật lệ giao thông trên đường kẻo sự cố viếng thăm, dù lỗi của ai, thì đã quá muộn.
  11. “Đi đêm có ngày gặp ma”.  Bạn không muốn gặp ma hoặc trở thành ma thì nên tránh đi xe đạp vào ban đêm ở Việt Nam!  Đây là một việc hết sức nguy hiểm.  Nếu vì lý do nào đó mà bạn phải tiếp tục đi vào chiều tối thì bạn phải hết sức thận trọng và tự lo liệu lấy hồn.  Chúng tôi khuyên bạn nên chuẩn bị chuyến đi thật kỹ để tránh rơi vào chiều tối.  Tôt nhất thì bạn nên mang theo trong túi hành trang một đèn chớp (LED flasher) và một đèn pha (head light) phòng khi đêm xuống.  (XV 2019) Nếu lỡ vì một lý do nào đó mà hành trình của bạn bị rơi vào bóng đêm và ánh đèn pha cũng như đèn chớp của bạn không đủ sáng để giúp bạn quan sát và bảo vệ sự an toàn cho những vòng đạp, bạn hãy dừng cuộc hành trình dở dang đó để bảo vệ sự an toàn cho chính mình.  Bạn có thể sử dụng phương tiện giao thông công cộng để giúp bạn đến được nơi bạn muốn đến hoặc tìm một nơi trú đêm nơi mình phải tạm dừng.
  12. Trách nhiệm.  Không ai trong nhóm có thể lo cho sự an toàn của bạn bằng chính bạn.

Nghe nhắc nhở nhiều, có lẽ bạn sẽ cảm thấy chùn bước, nản lòng.  Xin gửi đến bạn câu hát này:  “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông…”


Chúc bạn thành công.
Nhóm “Xe Đạp Xuyên Việt”
 
Copyright 2020. All rights reserved.
Back to content | Back to main menu