- Xe Đạp Xuyên Việt

Go to content

Main menu:

Hành Trang Xuyên Việt

Với những chuyến xuyên Việt, chúng tôi chưa dám võ ngực xưng mình là nhà chuyên môn để khuyên bạn phải chuẩn bị hành trang thế nào cho một chuyến đi dài bằng xe đạp.  Tuy nhiên, những thương đau trong những hành trình qua cũng giúp chúng tôi có chút kinh nghiệm về việc chuẩn bị hành trang lên đường.  Xin chia sẻ chút kinh nghiệm ấy như một sự tham khảo để chuyến du lịch xuyên Việt của bạn sẽ bớt đi những nhọc nhằn và trở nên…tuyệt vời hơn.  Hành trang lý tưởng bạn có thể vác theo trên chiếc xe đạp từ 10 kg đến 15 kg.  Trọng tải hành lý sẽ rất quan trọng cho hành trình xuyên Việt của bạn, bỡi lẽ, nếu tải quá nhiều, bạn sẽ gặp trở ngại ở những đoạn nhiều dốc, lắm đèo.

Nào bây giờ, bạn hãy cùng chúng tôi chuẩn bị hành trang nhé.

  1. Xe Đạp.  Dĩ nhiên đây là chuyện phải có!  Hành trình “Xe Đạp Xuyên Việt” mà.  Nếu không có xe đạp, bạn chỉ việc ở nhà “nhậu”!  Ở đây, chúng tôi chỉ muốn giới thiệu với bạn về những loại xe đạp mà nhóm “Xe Đạp Xuyên Việt” đã sử dụng trong những hành trình qua.   Tuy nhiên, nếu muốn hiểu rõ về chức năng của từng loại xe, phụ hợp với túi tiền của bạn và tiện nghi cho chuyến đi xa, bạn có thể tìm hiểu qua mạng điện toán toàn cầu (world wide web-www), hoặc tham khảo với các nhà chuyên môn
    1. Xe đạp địa hình (Mountain bike):  Chức năng của loại xe này là đi trên đường núi dốc, gồ ghề đầy đá và hố lởm chởm.  Sử dụng loại xe này, bạn sẽ bớt đi sự lo âu về vấn đề xì lốp, sụp ổ gà, hoặc ổ voi trên những đoạn đường xấu.  Bạn sẽ không ngần ngại chạy càn qua những đoạn đường đầy đá dăm.  Tuy vậy, vì trọng lượng xe này tương đối nặng, bánh xe lại hơi to, nên người sử dụng phải tốn nhiều sức.  Đây không phải là loại xe chạy tốc độ nên thời gian đi trên những chặng đường sẽ hơi lâu.  Nếu bạn đi xuyên Việt theo kiểu du lịch tự tải, bạn chỉ có thể sử dụng loại “hardtail mountain bike” hoặc “fully rigid mountain bike”, và xe của bạn phải có “braze-on” để lắp được yên xe dùng cho việc chuyên chở hành lý.  Nên lắp thêm viền chắn (mud fenders) cho bánh trước và sau để tránh đất cát văng lên mặt khi đi trong mưa.  Để tránh vấn đề gãy căm thường xuyên, bạn nên dùng bánh xe có từ 36 cây căm trở lên.
    2. Xe đạp cuộc (đua) (Road bike):  Khi sử dụng loại xe này bạn có được điểm lợi về tốc độ, nhưng bù lại, bạn không thể đi quá nhanh ở những đoạn đường xấu, gập ghềnh.  Vỏ và ruột xe của loại xe đạp cuộc lại rất mỏng nên rất dể bị rách, hoặc bị xì khi gặp chướng ngại vật.  Nếu sử dụng loại xe này, tốt nhất bạn nên mang thêm vỏ và ruột dự phòng khi trắc trở.  Điểm khác cần lưu ý khi sử dụng loại xe này là phải hết sức cẩn thận trong lúc đi mưa vì xe rất dể bị trược.  Xe bạn phải có “braze-on” để có thể lắp yên xe dùng cho việc chuyên chở hành lý nếu bạn có ý định đi xuyên Việt theo kiểu tự tải.  Nên lắp thêm viền chắn (mud fenders)  cho bánh trước và sau để tránh đất cát văng lên mặt khi đi trong mưa.  Bạn cũng nên dùng bánh xe có từ 36 cây căm trở lên để tránh vấn đề gãy căm thường xuyên,
    3. Xe đạp thực dụng (Touring bike):  “Touring bike” được thiết kế cho mục đích du lịch, du mục nên loại xe này không nặng, ngắn đòn như “mountain bike” và cũng không mảnh khảnh như “road bike”.  Ghi đông, dàng thắng, hệ thống tăng/giảm líp xe đều có chất lượng cao.  Ghi đông loại cụp như xe cuộc để người sử dụng dể thay đổi tư thế điều khiển cho bớt mệt mỏi, bớt cản gió và thư thái hơn trên những đoạn đường dài lộng gió.  Sườn xe cứng cáp, nhẹ và dài đòn để công việc chuyên chở hành lý không vướng véo, cảng trở những vòng đạp.  Vành xe rắn chắc vì có tử 36 cây căm trở lên, vì thế, vấn để gãy căm, rong vành hầu như không xảy ra. Nên lắp thêm viền chắn (mud fenders) cho bánh trước và sau để tránh đất cát văng lên mặt khi đi trong mưa.  Loại bánh xe thích hạp cho sự du mục tự tải ở Việt Nam là loại 700c x 28, hoặc 700c x 36.  Nếu bạn là người có máu phiêu lưu  du lịch đây đó trên chiếc xe đạp thì bạn hãy đầu tư vào một chiếc xe đạp thực dụng (touring bike) thật tốt, thật bền vì khi bạn đối diện với đồi dốc gập ghềnh và sức gió ngược thì bạn mới thấy mục đích của các nhà thiết kế chiếc "touring bike".
  2. Dụng cụ cần thiết cho cả nhóm:  Những dụng cụ liệt kê dưới đây được xem là những dụng cụ cần thiết và không thể thiếu cho một hành trình xa.  Người giữ những dụng cụ này luôn phải để sát với nhóm để tiện bề tiếp ứng.
    1. Một ống bơm xe đạp loại to (floor pump)
    2. Một hoặc hai ổ khóa dài dùng để khóa tất cả xe (long cable locks)
    3. Một bộ dụng cụ sửa xe đạp khó tìm ở Việt Nam như “cassette locking tools, chain whip, bottom bracket tool, crank puller, and cone wrenches”
    4. 2 cây mỏ lết lớn (10 inch)
    5. 1 cây kìm
    6. Một hệ thống tăng giảm líp ở phía sau (rear derailleur)
    7. Một bộ dây thắng (brake cable)
  3. Vật tải hành lý:  Nên dùng một cặp “rear panniers” (giỏ treo phía sau) cở trung và một “rear trunk” (rương nhỏ phía sau) để chứa dụng cụ và đồ dùng cá nhân.  Nếu bạn có loại chống thấm nước (water proof) thì không cần chuẩn bị bọc chống mưa cho hành lý của bạn.  Chuẩn bị những vật dụng tải phía sau xe sẽ cất được gánh nặng hành lý trên đầu tay lái, vừa khó điều khiển lại vừa không an toàn cho bạn.
  4. Dụng cụ xe đạp cá nhân:  Dụng cụ xe đạp cần thiết cho cả nhóm là điều quan trọng, nhưng bạn cũng đừng quên những dụng cụ sửa xe loại nhỏ, nhẹ, dể dàng mang theo bên mình.  Có thể nói đó là những vật phòng…thân đấy!  Có những lúc trên chặng đường chỉ riêng bạn và chiếc xe cọc cạch, xe…xì lốp, hoặc xẹp bánh, bạn lấy đâu ra ruột xe để thay, hoặc bơm để những vòng xe được tiếp tục lăn tròn?  Cho nên, lúc nào trong hành trang của bạn cũng nên có những vật dụng sau đây, nhỏ nhưng thuộc hàng…quí, hiếm, trên lộ trình dài.
    1. Một ống bơm nhỏ (portable hand pump or frame pump).  Nên sử dụng loại ống bơm có vòi vì nó rất thuận bơm
    2. 2-4 ruột xe (inner tubes)
    3. Một vỏ xe loại cuộn tròn (foldable tire)
    4. Một bộ dụng cụ tháo vỏ xe (plastic tire levers)
    5. Một bộ dụng cụ vá ruột xe (patch kit)
    6. Một bộ khóa mở ốc nhỏ (mini tools)
    7. Một hoặc hai cặp thắng phụ (brake shoe)
    8. Một khóa bắt căm xe (spoke wrench)
    9. Một đồ mở sên (chain tool)
    10. Căm xe:  mang đúng loại, đúng cở.
    11. Một khóa xe đạp
    12. Đồng hồ đo tốc độ, đường dài, nhiệt độ…(bike computer)
  5. Hành lý cá nhân:  Vượt hành trình xa trên chiếc xe đạp mà mang theo hành lý cở một va ly nặng 50 kg thì bạn quả là nhà…vô địch!  Thật đấy, bạn chỉ nên mang theo những gì hết sức cần thiết.  Xin liệt kệ ra đây những gì mà chúng tôi dùng nhiều nhất trong những hành trình qua.  Nếu bạn cảm thấy mình có khả năng mang theo trên mình cả…giang sơn trong hành trình dài thì đừng ngại ngần.
    1. Giày:  Một đôi giày dùng để chạy xe đạp hoặc một đôi xăng-đan (sandal) tiện dụng.
    2. Nón-dụng cụ chống nắng:
    3. Một nón an toàn (bike helmet)
    4. Kính đeo mắt loại dùng đi xe đạp (nên dùng kính có thể đổi tròng kính màu và trong.  Tròng kính màu dùng cho ban ngày, tròng kính trong dùng cho chiều tối)
    5. Một lo kem chống nắng loại tốt (sun block)
    6. Vòng đeo đầu để thấm mồ hôi (headband or headsweat)
    7. Bình hoặc bị chứa nước:  Sử dụng một trong hai cách sau để mang theo nước uống trên đường:
      1. Sử dụng 2 bình đựng nước uống loại treo theo sườn xe:  Một bình chứa nước lọc và một bình đựng nước tăng lực (hydration drink), hoăc
      2. Sử dụng một bình đựng nước và một bị “hydration backpack”:  Hydration backpack sẽ chứa nước lọc còn bình thì chứa nước tăng lực (hydration drink).
    8. Thức ăn, nước uông tăng lực (nhanh):  Để sẵn trong bị hành trang bột pha nước tăng lực và thức ăn nhanh đầy dinh dưỡng và calôri.  Chỉ mang theo vừa đủ cho chuyến đi để tránh vấn đề quá tải.
      1. Thức ăn nhanh như “power bar, power shots…”.  Những thức ăn nhanh này rất cần trong những chặng quá dài hoặc nhiều dốc, lắm đèo.
      2. Bột “hydration drink powder hoặc electrolyte drink powder” dùng để pha nước tăng lực, tiếp sức, giảm mất nước, và chống “chuột rút”.  Hydration drink hoặc “electrolyte drink” rất quan trọng ở những chặng đầu xuyên Việt hoặc ở những chặng có khí hậu quá nóng, quá dài và có quá nhiều đồi, đèo.
    9. Quần áo-găng-vớ:
      1. Hai quần dùng để chạy xe đạp (padded bicycle short): Giúp bàn tọa của bạn đở bị phồng vì ngồi cả ngày trên yên xe.
      2. Hai hoặc ba áo chạy xe đạp (short or long sleeve jerseys):  Giúp bạn mát và không mất nước nhiều vì bốc hơi.
      3. Hai đôi găng tay chay xe đạp (bicycle glove).
      4. Một đôi vớ giữ ấm chân (leg warmer):  Loại này có thể dùng ở mọi thời tiết.  Giúp giữ ấm và giảm cháy nắng ở đôi chân.
      5. Một đôi găng tay dài có thể phủ cánh tay (arm warmer):  Giữ ấm đôi tay khi đi trong khu vực có thời tiết lạnh và giúp giảm cháy nắng ở cánh tay.
      6. Một bộ quần áo đi mưa loại nhẹ dùng đi xe đạp:  Vừa tránh mưa vừa giúp bạn giữ hơi ấm.
      7. Vài đôi vớ tốt.
      8. Quần lót, áo thun (T-shirt), quần đùi (shorts).
      9. Một bộ quần áo gió (wind breaker).  Dùng cho các vủng có khí hậu lạnh.
      10. Một bộ quần áo kiểng.  Nên sử dụng loại vải nhẹ, dể giặt ủi, mau khô.
    10. Linh tinh.  Tuy bị xếp vào hàng linh tinh, nhưng thiếu những thứ này e rằng chuyến đi của bạn…khốn khổ đấy nhé.
      1. Một bóp đi du lịch.  Dùng cất giữ những giấy tờ quan trọng.
      2. Một bàn chải đánh răng, kem đánh răng (hộp nhỏ), giây nha khoa (floss).
      3. Thuốc trị bịnh cần thiết như:  đau bụng, cảm cúm, nhức đầu, tiêu chảy…
      4. Một cuộn giấy đi vệ sinh phòng khi cần đến…
      5. Thuốc chống muỗi.
      6. Một khăn tắm loại nhẹ.
      7. Một máy chụp hình nhỏ, nhẹ.  Giúp bạn tiện ghi lại cảnh đẹp dọc đường.
      8. Một đèn chớp nhỏ (LED flasher) và một đèn pha (head light) loại tốt phòng khi đêm xuống.
      9. Một đôi găng tay rửa chén.  Sau bao lần vá ruột và thay vỏ, bạn mới thấy quý cái đôi găng tay rửa chén của quý bà nội trợ.
      10. Một điện thoại di động Điện thoại này là sợi dây liên lạc thông tin giữa bạn và các thành viên trong nhóm, cũng như tới những người, cơ quan hữu trách, có thể giúp đở bạn trên đường.
      11. Sau cùng là…tiền!  Nên mang theo tiền đủ chi dùng cho việc ăn uống, nghỉ ngơi.


Chúc bạn thành công
Nhóm Xe Đạp Xuyên Việt

 
Copyright 2020. All rights reserved.
Back to content | Back to main menu