- Xe Đạp Xuyên Việt

Go to content

Main menu:

Gió Bụi Xuyên Việt

(Ðây là những mẫu chuyên vui, buồn của nhóm Xe Ðạp Xuyên Việt.  Hiển nhiên, trên đoạn đường dài 1800 km Bắc-Nam có nhiều chuyện lạ xảy ra nhưng chúng tôi chỉ có thể ghi lại những mẫu chuyện mà mỗi khi nhắc đến thì nhóm phải cười to, cười bé, cười mỉm, hoặc không cười mà im lặng nặng nề.)

"CU ÐƠ"!!!   Vừa nghe danh tiếng "Cu Ðơ" chúng tôi đã bủn rủn tay chân.  "Xe Ðạp Xuyên Việt" cứng đơ, hãm phanh tức thì, không thể lết thêm được một mét nào.  Chuyện vui này đến với "Xe Ðạp Xuyên Việt" khi dừng chân ở Hà Tĩnh.  Lần đó nhìn thấy của tiệm quảng cáo bán "Cu Ðơ" cả nhóm chúng tôi đồng loạt ngưng đạp và vây quanh cửa hàng bán món ăn đặc biệt này với sự mời mọc thân thiện của cô bán hàng xinh xinh.  Trời ơi!  từ ngày cha sinh mẹ đẻ tới giờ, lần đầu tiên chúng tôi mới biết có một món ăn với tên gọi quá sức là ngỗ nghĩnh-Cu Ðơ.  Mấy anh chàng "xuyên Việt" được dịp mân mê, hít hà, sờ nắn "Cu Ðơ" mà nhịn cười không nổi.  Sau chặng đường mệt mỏi, có được giây phút thoải mái như thế này là bao nhiêu ý tưởng "quái đản" được "xổ" ra ào ào.  Kẻ phát biểu, người phụ họa, người cười hả hê, kẻ tò mò sờ mó "Cu Ðơ"...Thật là một trần cười nghiêng ngả.  Thấy khách cười đến sặc sụa, cô bán hàng chỉ biết trố mắt ngạc nhiên, đứng tần ngần một góc và hết dám mời mọc "các bác" mua Cu Ðơ.
Khi đã thỏa sự tò mò, thích thú, mỗi người trong chúng tôi đều mua một gói "Cu Ðơ" to tướng.  May mắn cho chúng tôi, nhờ có chất bổ "Cu Ðơ" mà trên con đường xuyên Việt mới được thoải mái đôi chút.  Càng đi lần vào Nam, tiếng vọng cười "Cu Ðơ" trở nên xa dần rồi tắt hẳn.  Vâng, "Cu Ðơ" - món kẹo đặc sản, khoái khẩu của tỉnh Hà Tỉnh - đi lần vào miền Nam đã có một tên gọi khác:  kẹo Ðậu Phụng.

CHIM MÍA:  Mỗi lần đến một thành phố mới là "Xe Ðạp Xuyên Việt" thường đi tìm tòi, lục lạo những món ăn đặc sản của vùng ấy để thưởng thức cho biết hương vị.  Bạn ạ!  Không phải món đặc sản nào cũng "dễ nuốt" lắm đâu.  Năm 1999, chúng tôi dừng chân ở khách sạn Mỹ Trà nằm bên bờ sông Trà Khúc thuộc thị xã Quảng Ngãi.  Nơi đây khung cảnh thật êm đềm.  Tối hôm đấy, chúng tôi mò qua sông, vào khu buôn bán thức ăn để tìm xơi vài món ăn đặc sản xứ Quảng làm kỷ niệm.  Mỗi người một ý. Cuối cùng chúng tôi chọn "cá bống sông Trà" kho tiêu và món "chim mía" chiên dòn.  Sau vòng đầu của trận đấu "chén-đũa", dĩa cá bống đã hết sạch, nhu lạ thay, dĩa chim "mía" chiên dòn vẫn còn nguyên xi, không bay mất một con.  Tàn cuộc, những con chim bé đầu to, mắt lớn kia vẫn còn nguyên vẹn, nằm im re trên dĩa sành đã lợt màu.  Trên đường về, ai cũng lặng lẽ, lê bước chân, lần trong ánh đèn đêm mà về lại khách sạn.  Nhìn dòng sông Trà Khúc lững lờ chảy ra biển, một người bạn buột miệng nói:  "I couldn't eat those poor little birds".  Lúc ấy chúng tôi phát lên cười.  Ðúng vậy, không riêng bạn mà cả nhóm đều thấy thương những con chim mía bằng đầu ngón tay với đôi mắt to to và cái đầu trọc lóc đang nằm co ro trên dĩa sành.  Từ đó, món "chim mía":  chiên, xào nấu, kho...bị loại ra khỏi bộ nhớ của "Xe Ðạp Xuyên Việt".

CHUI VÀO ÐƯỜNG CỤT:  Lần đầu tiên "Xe Ðạp Xuyên Việt" đến thành phố Ðà Nẵng là năm 1999.  Lúc ấy ai cũng chuẩn bị bản đồ và địa chị cẩn thận cho cuộc hành trình đầu tiên.  Sau khi chinh phục được Ðèo Hải Vân và vào tới Ðà Nẵng thì ai cũng cao hứng chạy búa xua, không thèm chờ nhau.  Khi chuẩn bị đi ăn tối, đếm lại số người thì thấy mất anh "Wong".  Trời đất!  Lúc ấy ai cũng tá hỏa tam tinh, túa nhau đi tìm anh "Wong" thất lạc này.  Tìm mãi, hỏi mãi với biết được anh "Wong" bị hư xe.  Thay vì tự sữa chũa ngoài ven đường nơi đông người đi lại, anh "Wong" lại chui vào đường cụt, ít người qua lại để tiện sửa xe...Thật là hú hồn!  Ði du lịch bất cứ nơi đâu trên quả địa cầu này, đừng tự chui vào đường cụt, lỡ bị kẻ gian sử dụng phương pháp "trấn lột" thì không còn mảnh vải che thân.

CUỘC TÌNH..."XẾ ÐIẾC":  Chúng tôi-nhóm xuyên Việt đầu tiên-toàn là người rời nước từ bé.  Ðủng quần của chúng tôi chưa rách thì đã xa lìa mái trường đầy lỗ thủng.  Chúng tôi nào có được chút gì gọi là "kinh nghiệm tình yêu thời học trò" để vác vai.  Lớn lên từ vùng đất Hoa Kỳ xa xôi, chúng tôi chỉ cảm nghiệm tình yêu học trò bên Việt Nam qua sách, báo, nhạc, lời đồn dân gian...Ôi chao, tình yêu học trò bên Việt Nam sao mà dễ thương quá, thơ mộng quá!  Nào là chàng học sinh nghèo lộc cộc đèo cô học sinh nghèo trên chiếc xe đạp; mà chiếc xe đạp cũng thuộc loại đại nghèo:  không thắng, không "ghi đông", bàn đạp chỉ còn cái lõi sắt nhọn hoắc, chìa ra trơ trọi, nhìn mà phát ớn...
Mấy ông nhà thơ tả về thời học sinh của mấy "bố" thì quá sức là thơ mộng:  Nào là chàng chở nàng cùng đi ăn cà lem, cùng đi bắt dê thả bướm...còn rủ nhau trốn học để đèo nhau trên chiếc xe đạp lộc cộc dưới hàng me xanh rợp bóng mát.  Nghe thấy đã phát thèm...me.  Thế mới biết mình thả hồn theo người khác là...dại.
Lần đầu tiên nhóm "Xe Ðạp Xuyên Việt" lê lết tới Ðà Lạt, một bạn trong nhóm không biết ăn nhằm "me" gì mà nổi hứng vác xe đạp đi ve vãn một cô chiêu đãi viên  nhà hàng...xinh như chị Hằng trong đêm rằm.  Ngày ngày thấy hắn vác xe đạp ngồi chầu chực trước của tiệm ăn, chúng tôi thương quá bảo hắn đừng tập làm chú Cuội.  Nhưng cậu ta đâu có chịu nghe, bảo là tình yêu đang đến, phải vồ lấy ngay!  Không biết hắn vồ thế nào mà cô chiêu đãi viên kia thấy hắn thì như thấy tà...trốn chui, trốn nhủi để tránh mặt.  Một hôm, để tránh chú Cuội chận đường ve vãn, chị Hằng phải lòn cửa sau, leo vội lên xe honđa, hối hả tống hết ga lao vụt vào bóng đêm mất dạng.  Tưởng chú Cuội sẽ đầu hàng vô điều kiện, nào ngờ, Cuội ta vác vội xe đạp, hối hả bò lê, bò càng lên dốc cỏ, tìm đường tắt đuổi theo.  Ðến điểm lợi, nhảy phóc lên xe định đạp xe thì hỡi ôi, sên đã tụt ra khỏi líp xe!  Nhìn thấy hắn "giận cá, chém thớt" đá chiếc xe đạp vài cái.  Chúng tôi nhịn cười không nổi.  Thế là xong một cuộc tình!
Trên đường về Sài Gòn, cứ nhìn thấy anh chàng buồn bã dõi mắt theo hàng cây hai bên đường thở dài tiếc nuối mà chúng tôi thấy thương hại và buồn cười quá mức.  Ai thời lại vác xe đạp mà đi ve vãn người đẹp vào thế kỷ hăm mốt này chứ!  "Xế điếc" làm sao mà đuổi kịp "xế nổ"!  Chiếc xe đạp cà tàng làm sao tậu được "giấc mơ hai" (Dream II) cho những người đẹp của thế kỷ!

XE ÐẠP HÚC XE VẬN TẢI:  Cứ ẻ cổ mà đạp, không tỉnh táo thì cũng có lúc sơ xuất.  Có lần trên một chặng đường khá dài, một người bạn thuộc hạng khỏe nhất trong nhóm, ăn nhiều, ăn mạnh nên no lâu.  Sau buổi cơm trưa, khí hậu oi bức, bụng lại căn cứng nên anh chàng buồn ngủ.  Thay vì tìm một bóng mát ẩn mình, đánh một giấc, thì anh bạn lại trổ tài vừa đạp vừa...ngủ.  Một mắt nhắm, một mắt mở, đầu gục xuống mà đạp.  Khi có người hô toán lên "xe vận tải!" thì hởi ôi, đã muộn!  Vì ngủ gà, ngủ gục trên chiếc xe đạp nên anh bạn không thấy chiếc xe vận tải to như quả núi đang đậu cạnh lề.  Cũng may xe đạp bị hư hại nhẹ, hành trang thì văng vãi tứ tung.  Nhờ được "tông truyền" cho vài môn võ nhào lộn nên người chỉ trầy trụa sơ sơ.  Về phía xe vận tải thì không bị thiệt hại gì đáng kể nên tài xế tha cho đi.  Thật là một chuyện khó tin!  Tông xe vận tải mà vẫn sống phây phây.  Vì thế, du lịch bằng xe hai bánh thì không nên ngủ gà, ngủ gật.

MÓN ĂN ÐẶC SẢN CỦA VIỆT NAM:  Bạn đã đoán ra được món gì chưa?  Thật khó đoán!  Từ Bắc vào Nam, dù nhà hàng có sang trọng hoặc bình dân đến đâu, bạn "gọi" món này thì họ không thể nào từ khước được...và cũng không thể báo là "không có".  Thế mới lạ.  Bạn ạ!  Ðấy là món "rau muống xào tỏi".  Một món ăn đặc sản có khắp cả mọi miền đất nước đấy.  Lắm lúc ngồi "nhâm nhi" cọng rau muống xào với những tép tỏi thơm nồng mà buồn cười!  Nhớ lại hồi bé, dù tôi sinh ra và lớn lên từ vùng đất Hậu Giang, nói giọng Nam Kỳ rặc mồng tơi mà vẫn bị đám nhóc chọc là "Bắc Kỳ ăn rau muống".  Lúc ấy bé, nóng mặt lắm.  Giờ lớn, lại thấy tự hào và kiêu căng.  Thiển nghĩ "Ông bà già tui đi vào Nam mang theo cọng rau muống.  Bây giờ đàn con qua Mỹ cũng mang theo cọng rau muống.  Ðúng là rau muống vung vãi khắp tứ phương thiên hạ.  Giờ thì Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ và cả Hoa kỳ đều xơi rau muống xảo tỏi ráo trọi..."  Cọng rau muống của ông bà ta quả là kỳ diệu.

NAM Ô BIẾN THỂ:  Chuyến "Xe Ðạp Xuyên Việt" đầu tiên (1999) thật tuyệt vời vì tất cả khung cảnh quê hương đều mới lạ đối với chúng tôi.  Nhờ có xe "van" làm hộ tống nên các thành viên không phải vất vả mang theo hành trang cá nhân bên mình.  Sức lực dồi dào, tha hồ chạy dọc, chạy xuôi.  Ai chạy kiểu nào cũng được, miễn là tới khách sạn...đúng giờ.  Nhìn đỉnh đèo Hải Vân lờ mờ trong sương mù, tôi e ngại mình sẽ không vượt qua nổi để đến thành phố Ðà Nẵng kịp thời gian ấn định.  Bỏ cả buổi ăn trưa, tôi ì ạch vượt qua đèo Hải Vẩn.  Ðổ đèo xong, tôi thở phào nhẹ nhõm vì biết thành phố Ðà Nẵng không còn xa mấy.  Tôi lững thững đạp những vòng xe chầm chậm mà ngắm tất cả những cảnh lạ dọc đường.  Bất chợt, tôi ngạc nhiên đến nổi phải dừng hẳn xe lại; trước mắt, hai bên tả hữu con đường là một nghĩa trang bao la rộng lớn.  Giữa trời xế trưa, nắng gắt tôi vẫn thấy lạnh người.  Nhìn những ngôi mộ cũ, mới lố nhố xen lẫn với nhau dọc hai bên đường, tôi chạnh lòng suy nghĩ đến thân phận con người.  Ðây Nam Ô-mảnh đất ôm ấp giấc ngủ nghìn thu của bao thế hệ người dân Ðà Nẵng!   Ngắm những cánh hoa dại, vàng óng, nằm chen với đám cỏ xanh rì lung lay trước gió mà thấy thương tất cả những người đã nằm xuống.  Bạn hay thù, thân quen hay người dưng nước lã, giàu hay nghèo, sang hay hèn..., nay bỏ lại tất cả để làm bạn với hoa đồng cỏ nội.  Bao bon chen, vất vả giửa giòng đời xuôi ngược, nay thanh thản trả lại đời tất cả để gửi thân dưới mộ đất yên.  Ai rồi cũng giống nhau, "sinh ký tử qui", trở về tro bụi....
Năm 2003, trong hành trình xuyên Việt, trên đường vào Ðà Nẵng, tôi cố tâm để mắt thăm những ngôi mộ của Nam Ô.  Tôi sững sờ!  Nam Ô giờ đây đang biến thể.  Những ngôi mộ lởm chởm trước kia, nay đang biến mất, có chỗ vẫn còn loang lỗ những hố đào hấp tấp.  Còn đâu mảnh đất đã một thời ôm ấp giấc ngủ nghìn thu của bao thế hệ người dân Ðà Nẵng!  Nam Ô ngày xưa nay đang biến thể!  Mảnh đất tĩnh lặng của những người khuất bóng nay đang gồng mình chịu sức nặng đè nén của những nhà máy công nghiệp, những con đường đá và những căn nhà đang mọc lên nhanh chóng hai bên đường.  Không ít người cho rằng đó là xu thế phát triển của một xã hội "công nghiệp hóa".  Xã hội phát triển, mừng chứ!  Ðất nước giàu lên, vui chứ!...Nhưng than ôi, sao lại bành trướng, cạnh tranh với ngay cả chốn tĩnh lặng, đầy hoa đồng cỏ nội của những người đã yên giấc vĩnh hằng!  Buồn thay phận người...

XỤP...AO GIỮA ÐƯỜNG:   Du lịch xuyên Việt thật thú vị!  Những cảnh đẹp hữu tình không chỉ tạo hứng khởi cho lữ khách đường xa mà còn gợi nhớ những kỹ niệm của một thời thơ ấu nghịch nghợm.  Tuy nhiên, trở về với tuổi thơ không phải lúc nào cũng thơ mộng cả.  Phải cẩn thận đấy!  Năm 2002 trên đoạn đường tẻ từ Quốc lộ 1A vào khu du lịch Ninh Chữ, Phan Rang, một bạn đã nổi tính trẻ thơ...nghịch nước.  Thấy vũng nước đọng nào trên đường cũng chạt băng qua.  Nước tóe qua hai bên, vui thật!!!  Khi đến khu núi đá Cà Ðù, thấy một vũng nước to giữa con đường ghồ ghề, anh ta xăm xăm chạy thật lẹ, lấy đà, rồi hai chân xoẹt ra, dơ cao lên để khỏi ướt.  Ai dè, cái vũng nước này sâu thật!  Chiếc xe đạp càng lúc càng chìm sâu.  Sọ bị cá cắn mất câu, bạn ta nhảy xuống, nước tới thắt lưng!  Hành trang trong bị lõng bõng nước.  Vào tới Ninh Chữ phải quấn chăn ngồi chờ áo khô...Mỗi lần nhắc đến chuyện này, ai cũng cười vêu cả "mỏ".  Thế nên những vũng nước trên những con đường ở Việt Nam khó mà biết nông, sâu thế nào.  Cẩn thận khi băng qua chúng, kẻo bạn phải cần phao cứu nạn.

KHÁCH SẠN "GÓP TU": Chuyến xuyên Việt 2002 của nhóm chúng tôi có một bạn sức khỏe được xếp vào hàng khỏe nhất nhưng tiếng Việt thì lại được liệt kê vào hàng yếu nhất.  Anh em chúng tôi thường kháo nhau rằng:  muốn hiểu anh bạn ấy nói gì thì bộ nhớ của người đối diện phải hoạt động trên mức...bình thường!  Có lắm lúc chúng tôi phải vỗ đùi "đét" một tiếng để "tự khen" mình khi hiểu ra anh ta muốn nói gì.  Hôm nào đang "nhừ" người mà nghe anh bạn ấy nói tiếng Việt thì phải nốc thuốc Pepto Bismo cho lẹ.  Quả tình, nói tiếng Việt mà "rặng" mãi mới ra một câu thì người nghe cũng cảm thấy...đau bụng.  Thiệt là, ngôn ngữ không xuôi, khó mà hiểu thấu!  Năm đó, đang khi chúng tôi cố lê lết chinh phục những cây số cuối của chặng đường Phan Rang-Ðà Lạt thì anh này đã vào gần tới trung tâm thành phố.  Khi chúng tôi trờ tời thì anh bạn này đang hỏi thăm người khách bộ hành đường đến khách sạn.  Tuy cùng là người Việt, nhưng anh bạn của chúng tôi phải dùng động từ "tu..quơ" hơi nhiều để diển tả điều anh muốn nói.  Lúc chúng tôi đến, người chỉ đường phân bua:  "Bạn các anh là người gì vậy?  Ðã bảo ở đây không có khách sạn Góp Tu".  À, thì ra, nơi anh bạn chúng tôi muốn tìm là khách sạn "Gôn Hai" mà cả nhóm sắp đến.  Lúc hiểu ra, người chỉ đường cười khì:  "Trời ơi!  Khách sạn Gôn Hai mà nói là Góp Tu thì bố ai mà biết".  Ðến giờ phút ấy, anh bạn "xuyên Việt" kia vẫn nghơ ngáo khó hiểu.  Thế mới biết "nhập gia tùy tục", đến Việt Nam mà nói giọng Mỹ thì chỉ có nước...thua!

"BÒ" LĂN:  Chuyến đi năm 2002, một thành viên suýt bị thương gần Cầu Treo, Ðèo D'ran.  Số là, một chú bò con đang ăn cỏ trên núi cao trượt chân, té xuống.  Chú bê ấy do thiếu kinh nghiệm ăn cỏ non trên triền dốc hiểm trở nên đành mất mạng bằng một cú té trời giáng.  Tội nghiệp cậu bé chăn bò.  Cậu ta leo phăng phắc qua những triền núi hiểm trở về báo tin cho bố để rồi bị bố cấu xé, đay nghiến từ nhà đến chổ con bê đang nằm xụi lơ bên bụi cỏ.  Từ Cầu Treo nhìn xuống hai bố con hì hục cột con bê lên chiếc xe hon đa Hùng nói:  "Ông già lựu đạn!  Con bò nó tự té chứ mắc mớ gì thằng bé mà chưởi mắng nó nhiều thế.   Hùng còn bồi thêm "Chưởi thì chưởi chứ tối nay có bê thui thế nào cũng xỉn nhừ tử...".

CÚ XỐC TRỜI GIÁNG!!!  Qua bao ngày lang thang trên chặng đường Bắc-Nam, tất cả thành viên "Xe Ðạp Xuyên Việt" đều hốc hác và xạm nắng khi chấm dức cuộc hành trình tại Sài Gòn.  Thoáng nhìn thì mọi người sẽ lầm tưởng chúng tôi là những anh công nhân xạm nắng vì lao công. Ðúng là "quá xấu xí nên không một ai để ý"!  Có lẽ nhờ vậy mà chúng tôi vô tình chứng kiến một cảnh "mua bán" đầy ghê tởm và tàn khốc của thế kỷ hăm mốt.
Năm đó, năm 2002, nhóm chúng tôi chỉ vỏn vẹn bốn người.  Sau bao ngày dãi nắng, dầm mưa, chúng tôi đến Sài Gòn và trú ngụ tại một khách sạn mini nằm trên đại lộ khá lớn, xe cộ đông đúc, tấp nập và lại đối diện một trường trung học đầy rẫy các em học sinh.  Những anh chàng đen đủi như chúng tôi rơi vào lớp người "chầu rìa" nên dân làm ăn, buôn bán chẳng nhọc công lưu ý.  Một sáng sớm, khi chúng tôi đang ngồi nhâm nhi những cốc nước trà nóng hổi tại phòng tiếp tân, bất chợt một nhóm người (có lẽ là Ðài Loan) ăn mặc lịch sự, chỉnh tề bước vào.  Thoạt nhìn cứ ngỡ đó là những tay buôn bán lớn.  Họ "ăn to, nói lớn" không lưu ý đến chúng tôi-những con người xạm nắng-đang ngồi chung phòng.  Do bất đồng ngôn ngữ, chúng tôi không hiểu họ đang bàn về công việc gì, nhưng qua giọng nói, tiếng cười và cung cách của họ chúng tôi đoán họ đang chờ một công việc làm ăn cam go, đầy căng thẳng.  Khi mọi thứ đã đâu vào đấy, họ ngồi xuống hàng ghế sắp sẵn.  Từ phòng bên cạnh, một người đàn bà dẫn khoảng sáu, bảy cô gái xinh đẹp, trẻ tuổi, bước ra.  Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng!  Nhìn cách đi đứng, ăn mặc và trang điểm của những cô gái này chúng tôi đoán họ không phải là người sống tại thành phố.  Thế rồi, từng cô, từng cô "diễn hành" qua lại trước mặt các anh "Ðài Loan" đang há hốc miệng ngồi nhìn chăm chú, soi mói.  Buồn...cười!  Các cô diễn hành giống hệt như người thiếu nữ đang tập đi qua cây cầu "khỉ" của vùng đồng bằng sông Cửu Long:  cứng đơ, ngại ngùng, run sợ, lo lắng, hồi hộp.  Lạ hơn nữa, trên nét mặt các cô hiện lên sự bẻn lẽn, mắc cở cùng với sự cầu mong và van lơn.  Sau vòng đầu, những anh chàng "Ðài Loan" kia xầm xì thương lượng với người đàn bàn.  Màn biểu diển "thời trang" tiếp theo diễn ra.  Lần này, những anh chàng Ðài Loan kia được quền sờ mó, nắn bóp, bất cứ bộ phận gì trên người các cô gái...Trời đất!!! Chúng tôi lặng người nhìn nhau với cả một sự ngỡ ngàng, đau xót.  Sự thật phũ phàng quá!  Trời...!Lẽ nào "loài người" với nhau mà xem nhau như một cục thịt biết đi!!??  Nắn nắn, sờ sờ, bóp bóp để mặc cả, để trả giá!  Chua xót quá!  Tình phụ mẫu bao nhiêu năm nuôi dưỡng...Ðau đớn thay!!!.
Sau một hồi thỏa thuận, một cô gái bị khước từ "được"...mua.  Ðôi mắt đẫm lệ, cô cầm trên tay đôi giày cao gót, hối hả rời khách sạn với đôi chân đất.  Một người bạn trong chúng tôi vỗi vã chạy theo cô gái ấy.  Hồi lâu, anh ta quay trở lại, ngồi xuống buông một tiếng thở dài não ruột và thốt lên:  "Lẽ nào không lấy được chồng Ðài Loan là thế giới sụp đổ sao?".  Thật là đau lòng khi biết rằng có người đưa cô ta lên đây với sự ưng thuận của bố mẹ nhằm mục đích "tậu" được một ông chồng ngoại kiều, không cần biẹt là Ðài Loan, Ðại Hàn, hay Trung Hoa, HỒng Kông...Vậy mà bây giờ giấc mơ đã tan tành mây khói!  Nhìn cảnh "mua bán vợ" như vậy chúng tôi thấy thật là căm phẩn!  Nhân quyền ở đâu?  Bình đẳng ở đâu?  Phải chăng bình đẳng, nhân quyền chỉ là những mỹ từ có giá trị hão huyền?  Lẽ nào nhân phẩm của con người bị liệng vào xọt rác khi nghèo đói vây quanh?  Ôi chao, thế giới đảo điên!  "Cha mẹ thương con biển trời lai láng"...Vậy mà giờ đây chính sự ưng thuận của bố mẹ đã đẩy con của mình đi tìm một sự đánh đổi tương lai mịt mù đang rình chờ ở một nước xa xăm.  Phải chăng sự than oán của người con gái "má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu" không còn "áp phê" gì khi giá trị tiền bạc lấn chiếm lương tâm!
Rời sân bay Tân Sơn Nhất, nhìn những hình ảnh đã chụp trên đường đi, chúng tôi như nhớ lại tất cả những buồn vui của một chặng đường dài xuyên Việt-chặng đường mà anh em chúng tôi luôn gắn bó bên nhau với biết bao kỷ niệm.  Vâng, có biết bao điều thật vui không thể quên trong "Xuyên Việt 2002" như sụp hố, bò lăn, khách san Gôn...Nhưng, dư âm "cú xốc" mà chúng tôi chứng kiến trong gian phòng của khách sạn mini kia vẫn rỉ rả, khoét những vết thương trong thâm tâm mỗi người chúng tôi, sâu hoắm!  Nhìn những tấm hình lưu niệm chụp tại khách sạn mini, anh em chúng tôi đều im lặng-một sự im lặng nặng nề khó thở.  Im lặng để lắng nghe lương tâm làm người của riêng mình.  Im lặng cầu mong một ngày nào đó thức tỉnh "trái tim làm người" của con người.  "Bầu ơ thương lấy bí cùng, tuy là khác giống nhưng chung một giàn"...Ôi còn đâu ý nghĩa đẹp của câu ca dao mà ông bà đã để lại cho hậu duệ.

H5N1:  Xuyên Việt 2005 khởi hành trong thời kỳ cúm gà đang bùng nổ một cách nóng bỏng, sôi động khắp thế giới.  Ðặt biệt, không đâu nóng hổi như ở Việt nam.  Nơi nào có H5N1 viếng thăm thì nhà nước ra lịnh "tru di tam tộc" loài gia cầm:  đi, bay, lội đều không tránh khỏi tử lịnh.   Các nhà bác học vĩ đại trên thế giới lo ngại vi khuẩn H5N1 sẽ biến thể và lây sang loài người thì nguy to.  Homosapiens sẽ bị tuyệt chủng vì cúm gà chứ không phải vì chọc giận Ông Trời đến nổi bị ném cho một cục đá như loài khủng long xa xưa.  Thật sự ớn lạnh!!
Trước khi khởi hành, xuyên Việt 05 cũng phập phồng lo sợ.   Bao nhiêu hung tin do H5N1 gây ra từ các vùng quê nghèo ở Việt nam làm chúng tôi thối chí.  Ai cũng đi lạy lục mấy ông bác sĩ, xin toa, mua một vỉ thuốc ngừa cúm gà làm gia phả.  Ðặt chân xuống Phi Trường Nội Bài, chúng tôi ôm khư khư cái vỉ thuốc  như ôm một kho vàng ròng.  Sợ bị kẻ gian giật mất vỉ thuốc hơn là cái hộ chiếu đáng quí.  Tại Thị Xã Mống Cái, đề tài "an toàn xa lộ" trước khi khởi hành xuyên Việt 2005 là gà.  Khẩu hiệu nằm lòng là:  hear no chicken, see no chicken, eat no chicken-include chicken eggs (Tạm dịch:  Không nghe, không thấy, không xơi gà).
Ngày 22-11-2005, Xuyên Việt 05 khởi hành.  Ðoạn đường từ Thị Xã Mống Cái đến Huyện Ðầm Hà vắng tanh loài gia cầm.  Không một chú gà, thím vịt nào lảng vảng bới, xới cạnh đường.  Buổi cơm trưa tại Ðầm Hà chúng tôi tâm phục, khẩu phục nhà nước hết sức.  Nhà nước quản lý chặt chẽ thế này thì H5N1 lấy gà, vịt ở đâu để tác oai!
Khi dừng chân nghỉ  đêm tại Thị trấn Tiên Yên thì hởi ôi!  Gà, vịt tản bộ khắp nơi, khắp chốn.  Mổi lần thấy chú gà con mon men đến gần, chúng tôi sợ tái mặt, co chân cả lên mà xua đuổi sùi bọt mép.  Thấy chúng tôi sợ con gà cỏn con đến thế, ông chủ quán trấn an:  Cúm gà ở tận đâu đâu!  Chứ H5N1 đến đây thì có nồi nước sôi trị rồi.  Các cậu an tâm.  Vâng!  Ông chủ nói đúng.  Cúm gà ở tận đâu đâu chứ người dân nghèo có được bao nhiêu con gà, con vịt để làm vốn.  H5N1 đến viếng người dân quê nghèo thì nó cũng phải chịu chung số phận với con gà:  Cùng vào nồi nước sôi....

ỐNG THẤP, ỐNG CAO:  Xuyên Việt Ðồng Bằng Sông Cửu Long 2007 gồm những bạn xa quê hương từ thuở bé nên mù mờ về phong tục, lối sống của người dân vùng đồng bằng nước ắp.  Trong chuyến đi có một bạn rời Việt Nam khi tuổi thơ mới vỏn vẹn bằng một con số đơn giản, 5 tuổi, nên tiếng Anh thì bạn ấy nói như "gió" còn tiếng "em" thì ấp a, ấp úng.  Lắm lúc bạn muốn mở lời thăm hỏi nhưng ngại người dân hiểu lầm nên "im" là tuyệt chiêu.  Xuyên Việt 2007, lần đầu tiên được đi du lịch vùng đồng bằng Nam Bộ, bạn ta thích quá sức nên gặp bất cứ thứ gì ngo ngoe cũng nhìn, cũng chụp.  Gặp người dân đi ruộng thì bạn ấy càng nhìn, ngắm dữ dội-đưa mắt quét từ gót chân lên tận ót.  Ai thời nhìn người mà nhìn dữ thế...lỡ gặp tay "anh chị" thế nào cũng bị "quét" cho mềm mình.
Trên đoạn đường từ Cà Mau đi Rạch Giá bạn ấy cao hứng nói "người Miền Nam kỳ lạ quá sức.  Ðã xắn ống quần thì xắn lên cả hai.  Sao chỉ xắn lên một cái đến tận đầu gối, còn ống quần kia thì để y nguyên như thế? Chẳng thấy hợp lý thế nào."  À, thì ra trong mấy ngày qua bạn "quét" người ta từ gót chân lên tận ót vì tò mò, chứ đâu phải ngắm họ vì sắc đẹp đổ quán xiêu đình.   Ðể giải thích sự tò mò của bạn, nhiều lý luận được mổ xẻ vang rền.  Người cho rằng "đó là tục lệ dân quê.  Xắn một ống để khi bị rượt thì chạy cho lẹ."  Bạn khác bảo là "để khoe chân đẹp."  Kẻ lý luận rằng "họ quá ư thông minh, dưới quê thì phải lội ruộng, nếu bị nước làm mục quần thì chỉ bị mục một ống, ống kia vẫn còn xài được.  Giảm thiệt hại được 50 phần trăm."  Người hí hỏm phản đối "nếu mục thì mục cho đều, ba chân mà mục một chân thì coi sao được."...Nhiều lý luận siêu việt được phát ngôn lung tung nhưng chẳng ai biết đích xác thế nào...
Ðể hiểu rỏ lý do, một bạn dẫn đầu đoàn bất thần thắng gấp, cạnh đường một cô gái xinh xinh đang đợi băng qua lộ với một ống quần xắn tới đầu gối, khoe cái chân trắng nõm nà, còn ống quần kia thì thả lửng tới mắt cá chân.  Người bạn dẩn đầu hỏi "lý do tại sao cô lại không xắn cả hai ống quần mà lại xắn lên có một ống như thế...Có phải để tránh bị mục quần không?"  Lúc đầu cô ta lúng túng không biết trả lời thế nào.  Ai thời bị hỏi một câu bất ngờ đến thế không khỏi xuất thần?  Sau vài giây lúng túng cô ta cho biết là "hổng có ai xắn một ống quần."  Người bạn chỉ cái chân trắng nõm nà mà phân trần "dọc đường, thấy nhiều người chỉ xắn lên một ống quần giống cô."  Cô ta cười híp mắt, nói "mấy chú nhìn thấy có phân nửa thôi hà.  Ði ruộng người ta xắn hết hai ống quần, làm một hồi thì cái ống kia nó tụt xuống nên để vậy luôn.  Hổng xắn lên nữa."...À, thì ra là thế.  Mọi lý luận siêu việt đều sai bét...Ống thấp, ống cao không phải là để ngừa mục quần mà vì người ta lười nên không xắn lên ống quần đã tụt...xuống.

TIỂU ĐƯỜNG...Bịnh tiểu đường (diabetes) xảy ra khắp mọi nơi, từ nước đệ tam thế giới...nghèo rớt cục mồng tơi đến những cường quốc...siêu giầu, từ người da trắng đến dân da đen-bịnh tiểu đường không kiêng nể ai...Kiến thức bình dân cho rằng vì ăn nhiều  đường, xơi nhiều kẹo nên bị bịnh tiểu đường.  Kẻ học cao hiểu rộng tin vào "gien" (gene).  "Gien" xấu, không chóng thì chày cũng...tiểu đường.  Muốn biết mình bị tiểu đường, theo mẹo vặt, tìm một ổ kiến lửa, tưới sát cạnh, kiến bu vào vũng nước mà hớp lia, hớp lịa thì bị tiểu đường 100%.  Húp xong cả dòng họ nhà kiến đều bị...tiểu đường vì hảo ngọt!  Y khoa họ chê gia tộc loài kiến không đảm bảo, chúng ăn hối lộ, húp ẩu thì sai bét.  Rút máu, lấy nước "tiên" về thí nghiệm chất đường thì an toàn.  Trị "tiểu đường" theo các bình dân, mộc mạc, thì bớt ăn ngọt, nốc nhiều nước sẽ làm đường loãng ra là hết bịnh.  Mấy ông y sĩ thuốc nam, thuốc bắc cho binh nhân uống thuốc rể cây, lá cỏ -loại thuốc nấu lên đèn ngòm như nhựa đường, đắng ngét như mật gấu-uống xong phải nốc vào vài ly nước đường, ngọt như mật ong, để giải đắng.  Theo lời của mấy lão “đông y” đấy là thần dược trị bá bịnh.  Bác sĩ tây y chữa bịnh có bài bản hẳn hòi-bệnh nhẹ, bác sĩ khuyên ăn chay, chạy “xe đạp Xuyên Việt” sẽ hết...tiểu đường.  Nặng một tí thì uống thuốc, tim insulin.  Còn quá nặng thì cưa chân, lọc máu, mua quan tài để sẵn.
Ðó là nói về căn bịnh tiểu đường theo Y học.  Còn “tiểu đường” mà chúng tôi khám phá dọc đường Xuyên Việt, lại là căn bịnh “nan y” rất phổ thông, hay lây!  Từ Bắc xuốngNam, từ vùng núi đến vùng đồng bằng, từ thành thị đến thôn quê...bịnh “tiểu đường” xảy ra nhan nhản.  Ðể bào chữa cho căn bịnh “khiếm nhã”, nhiều người đã viện lý do “giữa rừng già ai có thấy gì đâu!”  Tiểu đường thoải mái lắm.  Vâng!  Núp sau gốc cây, bụi cỏ, sau những dốc cầu cao có những bước tường chắn, vừa hưởng ngọn gió hiu hiu, vừa...xả, thoải mái làm sao!
Suốt hành trình Xuyên Việt, chúng tôi không chỉ khám phá ra bịnh “tiểu đường”.  Ðằng sau những dãy nhà cao chọc trời, những phồn vinh của đô thị, chúng tôi còn nhận ra nỗi đau nghiệt ngã, vô vờ của biết bao gia đình trong một xã hội đang phát triển siêu tốc về mọi mặt.  Cái đau khổ nghiệt ngã này giống như bịnh “tiểu đường”-phổ thông, hay lây, và không chừa một ai.  Nó im lìm vô hình, kiên nhẫn nằm chờ những con người phiêu lưu, mạo hiểm, nhẹ dạ...Vâng!  Ðằng sau những dốc cầu cao, những tường chắn gió hiu hiu, vương vãi những ống xi-lanh với cây kim chích nhọn hoắc.  Nhìn tàn dư của các tay nghiện heroin, ma túy, mà rợn người, đau lòng!  Những ống xi-lanh kia là bằng chứng nghiệt ngã, đau thương, nhưng nhiều người trong chúng ta cố dối lòng, phủ nhận “nó không xảy đến cho gia đình tôi, con cái tôi...”
“Tiểu đường” khó chữa.  Nhưng, chỉ cần chính phủ xây thêm những “trạm nghỉ” (rest area), chỉ cần “bịnh nhân” một chút tự trọng, kiên nhẫn, chỉ cần mỗi người giúp một tay thì chắc chắn sẽ không còn “tiểu đường”. Và, như thế xã hội trở nên văn minh, sạch sẽ.  Hoặc, nói một cách bi quan, xã hội và người dân chưa có giải pháp cho “tiểu đường” thì dù sao, sau một trận mưa thì tàn dư của “tiểu đường” sẽ tan theo giòng nước, làm phân cho cỏ cây.
Còn những ống xi-lanh rơi vãi, lăn lốc sau những bức tường cao, dốc cầu...có cách gì để xóa sạch?  Chỉ mong những cơ bão cấp tính của cuộc đời, của nghiện ngập, của vũng lầy ma túy sẽ tan đi và đừng trở thành nổi ám ảnh kinh hoàng phá tung mái ấm gia đình.
Sa vào ma túy là chuốc lấy bản án tử hình cho chính mình.  Cầu mong các bạn trẻ đừng nhẹ dạ để lọt vào cơn cám dỗ ngọt ngào của ma túy, hút sách, nghiện ngập.  Tương lai các bạn còn dài trong cuộc sống thật là ngắn ngủi.  Hãy tận dụng thời gian hiếm hoi của cuộc sống để tạo dựng một tương lai bình an, hạnh phúc tươi sáng cho chính mình.  Hãy biến những đam mê với “nàng tiên nâu” thành những đam mê lành mạnh với những môn thể thao có ích cho bạn.  Ði xuyên Việt bằng xe đạp là một trong những thú vui lành mạnh mà bạn có thể chọn để khởi hành.
 
Copyright 2020. All rights reserved.
Back to content | Back to main menu