- Xe Đạp Xuyên Việt

Go to content

Main menu:

Xuyên Việt 2011:  Hà Nội-Sài Gòn

04/7/2011, "Xe Ðạp Xuyên Việt" khởi hành tại Thủ đô Hà Nội với hai thành viên (Minh, Lâm) và một hướng dẫn viên (Phạm Ngọc Hiệp).  Vì thời gian nghỉ phép có hạn, hai bạn Chương Thái và John Phạm nhập vào đoàn tại Thành phố Huế.  Chúng tôi sử dụng một "hybrid bike", hai "cyclocross bike", một "touring bike" và một xe máy.

Xuyên Việt "Hà Nội-Sài Gòn 2011" thành công mỹ mãn.  Yếu tố tuyệt đối cho sự thành công của cuộc hành trình xuyên Việt trên chiếc xe đạp là sự an toàn của từng thành viên.  Từ lúc khởi hành tại Thủ đô Hà Nội cho đến khi kết thúc tại Thành phố Sài Gòn,chúng tôi luôn nhắc nhở nhau bảo vệ sự an toàn trên đường.  Ở những chặng có mặt đường bị cầy xới hoặc thu hẹp vì công trình nâng cấp, chúng tôi luôn chiếu cố, để ý xe cộ cho nhau và sử dụng những kinh nghiệm "tác chiến" để bảo vệ sự an toàn trên đường.  Những chặng bị sức nóng của gió Lào um đút thì chúng tôi không ngần ngại chạy chậm và nghỉ giải lao thường xuyên hoặc khởi hành thật sớm để tránh bị sức nóng của mùa hè thiêu rụi.  Vì chẳng ngần ngại nhắc nhở nhau bảo vệ sự an toàn trên đường và đồng tâm thay đổi "chiến thuật" để thích nghi với hoàn cảnh thực tế nên sự an toàn trên đường đã được đảm bảo tuyệt đối-không một sơ suất an toàn nào xảy ra trong suốt hành trình Xuyên Việt 2011.

Kỷ Thuật:  Tuyệt vời!  Qua kinh nghiệm đi "tour", chúng tôi chỉ sử dụng xe đạp đã được nâng cấp bánh xe trước và sau để tránh trục trặc nhứt nhối, khó sửa là sự gãy căm cong vành.  Chúng tôi cũng không quên thay những vỏ xe mỏng, nhẹ, bằng những vỏ xe được chế tạo cho mục đích đi "tour".  Ngoài một lần xe của chúng tôi bị thủng lốp do gai nhọn thì chúng tôi không mất thêm thời gian nào vào việc thay vỏ dọc đường vì đá dăm, gai nhọn.  Những sự chuẩn bị chu đáo này cũng đã giúp Xuyên Việt 2011 thành công-không một cây căm bị gãy, không một bánh xe cong vành! Ðây là kinh nghiệm quý báu cho những ai sử dụng xe đạp để đi du lịch trên các nẻo đường Việt Nam-đừng quên nâng cấp, hoặc chỉnh căm cho đúng kỷ thuật trước lúc khởi hành để giảm đi trục trặc kỷ thuật là sự thủng lốp, gãy căm, cong vành trên đường.

Khí hậu:  Lò lửa thiên nhiên-Chúng tôi đi vào mùa hè-mùa gió Lào lộng hành trên nhiều chiến tuyến-nên những chặng đường dọc theo lộ trình xuyên Việt 2011 đều hứng trọn sức nóng khủng khiếp của hỏa lò.  Trước lúc khởi hành, chúng tôi chạy ngược xuôi trên mạng (internet) để sưu tầm, tìm hiểu khí hậu mùa hè ở Việt Nam.  Những thông tin thâu thập trên mạng đã giúp chúng tôi lên phương án "A" để phòng chống say nắng và tránh bị xì khô bằng cách tăng cường những vũ khí đặc chủng để đánh giáp lá cà với sức nóng thiên nhiên như bột pha nước chống sấy khô, bột nạp và duy trì năng điện cho cơ thể-cyto max, accelerate powder, electrolytes powder.  Chúng tôi cũng không quên mang theo bên mình vài hộp "GU", loại thức ăn nạp năng lượng cực nhanh, phòng khi sử dụng phương án "B"-tẩu vi thượng sách-để thoát khỏi vùng hỏa lò.  Dầu đã chuẩn bị tâm lý để đối diện với sức nóng thiên nhiên, nhưng vừa khởi hành, chúng tôi đã phải thất kinh hồn vía khi chứng kiến những cành cây, cụm cỏ đang ủ rủ, hấp hối bên vệ đường vì sức nóng gay gắt của mặt trời và hơi nóng khô rang của những cơn gió Lào.  Ngoài việc hít thở những hơi nóng khô rang như muốn sấy khô buồn phổi từ những cơn gió Lào ngược chiều, thì cơ thể chúng tôi còn chịu sự tra tấn toàn diện của lò lửa thiên nhiên và hơi nóng "lò gạch" hắt lên từ mặt đường nhựa.  Sự tin tưởng vào những bịch bột để đánh giáp lá cà với sức nóng mùa hè đã tan nhanh như những giọt mồ hôi biến mất dưới sức nóng ray rức của trưa hè.  Nhìn Quốc lộ 1A dài hun hút, đang lắc lư mờ ảo dưới hơi nhiệt toát lên từ mặt đường thì phương án "B"-tẩu vi thượng sách-kể như liệng xọt rác.  Cảm giác đầu hàng, bỏ cuộc trước sức nóng thiên nhiên đã làm tăng thêm sự uể oải, lười biếng của đôi chân.  Dưới sức nóng như thiêu và sự vô hiệu của những bịch bột thì chúng tôi cố tìm biện pháp khắc phục sức nóng để tránh nguy cơ bị xóa sổ.  "Tùy cơ ứng biến"!  Với câu châm ngôn này, chúng tôi tìm đến những người bạn "ảo" có cùng đam mê, yêu thích môn xe đạp hiện sống rải rác ở các Thành phố Vinh, Ðà Nẵng, Tuy Hòa, Nha Trang để học kinh nghiệm từ dân thổ địa.  Những người bạn "ảo" mà chúng tôi quen biết khi tham gia hai diễn đàn xe đạp trên mạng internet (www.xedap.vn và www.xedap.org) đã cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc ứng chiến với sức nóng mùa hè.  Ngoài việc khởi hành thật sớm (4 giờ 30 - 5 giờ sáng) để tránh sức nóng thiên nhiên và để rút ngắn đoạn đường vào giờ cao điểm của sức nóng (~ 11 giờ sáng - 3 giờ chiều), chúng tôi còn chọn giờ nghỉ giải lao thường xuyên để nạp thêm nước, khoán chất và tránh hoạt động quá mức có thể gây kiệt lực.  Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng kế "hoản binh" để  kéo dài giờ cơm trưa ra vô tận.  Tội nghiệp những tiệm ăn mà chúng tôi ghé vào dùng buổi cơm trưa; vì ngoài ăn dầm choáng chổ nhà hàng, chúng tôi còn xin nằm nhờ, ngủ nhờ, tắm nhờ để tránh sức nóng vào giờ cao điểm.  Thật may mắn!  Khi chúng tôi mở miệng xin ngủ nhờ vỉa hè, hàng cây, hay xin xối nước cho hạ nhiệt thì họ đều vui vẻ thuận lời và còn khuyến khích chúng tôi cứ việc ở dề ra đấy để tránh chạy lông nhông trên con đường chan hòa nắng trưa và lồng lộng gió Lào.  Tuyệt vời hơn, khi các bạn yêu thích môn xe đạp ở Ðà Nẵng và Tuy Hòa đã cùng cỡi ngựa sắt, đồng hành để tiển chúng tôi một chặng đường xuất đi từ hai thành phố trên.  Ðoạn đường các bạn đồng hành có giới hạn, nhưng dư âm của tâm tình nâng đở, chia sẻ mà các bạn dành cho Xuyên Việt 2011 luôn văng vẳng bên chúng tôi trong suốt cuộc hành trình còn lại.  Chúng tôi lớn lên từ một vùng đất xa xôi.  Hấp thụ một nền văn hóa đa chủng, phức tạp và có lối nhìn tâm lý khác với quý bạn nhưng khi nhắc đến tâm tình của các bạn đã dành cho Xe Ðạp Xuyên Việt 2011, chúng tôi phải công nhận tinh thần của dân chơi xe đạp ở Việt Nam rất "cool" (đẹp).

Ðịa Lý-nằm mơ!  Dù đã thuộc nằm lòng cấu kết địa lý căn bản của hầu hết các chặng Hà Nội-Sài gòn nhưng lạ thay, càng đi thì đôi chân càng bủn rủn, run rẩy để chinh phục những ngọn đồi, đỉnh đèo đã một thời chúng tôi ngốn nó nhẹ nhàng như xơi bắp.  Theo chương trình gốc, từ Nha Trang, xuyên Việt 2011 sẽ rời QL 1A và men theo Tỉnh lộ 723 và chinh phục Ðèo Hòn Giao nằm cách Nha Trang khoảng 60 km về hướng Tây để đi thành phố Ðà Lạt.  Khi nghỉ chân ở Nha Trang chúng tôi không có những thông tin xác thực và không có biện pháp an toàn thích hợp để có thể chinh phục Hòn Giao.  Anh "tourguide" thăm dò chặng đường cũng chỉ lắc đầu ngao ngán trước sự hùng vĩ, hoan sơ của núi đồi.  Dưới làn hơi nóng của những cơn gió Lào và không nơi trú đêm an toàn, Xuyên Việt 2011 đã chuyển hướng, xuôi theo QL 1A để sử dụng QL 27B đi thị trấn Tân Sơn.  Quốc lộ 27B xẻ đôi huyện Bác Ái và chạy từ giao lộ với QL 1A tại thành phố Cam Ranh đến QL 27 tại thị trấn Tân Sơn.  QL 27B dài khoảng 50 kilômét nhưng là đoạn đường nẩy lửa vì bạn phải chạy xuyên qua vùng rừng núi thưa cây, thưa dân cư và có độ lên xuống khá cao.  Ngoài những phong cảnh lạ mắt, hữu tình thì điều lý thú nhất của chặng là sự ngộ nghĩnh đến sợ run của một địa danh trong vùng đồi núi hoang sơ này-Ðá Ba Cái!  Vâng! "Ðá Ba Cái" là tên gọi của một thôn làng nằm cạnh quốc lộ.  Vừa thấy đại danh Ðá Ba Cái là chúng tôi phải cố sức đạp liên tục, thoát lẹ để khỏi bị Ðá Ba Cái.  Bạn nghỉ xem, đại danh đã ghi sẵn, mình chạy tàn tàn, ngắm cảnh mà để dân làng tóm được thì đừng nói chi là bị đá ba cái, chúng nện cho nhừ tử cũng phải cắn răng mà chịu!  Nực cười! chúng tôi chạy mỏi chân, hụt hơi để tránh bị Ðá Ba Cái, nhưng ngày hôm sau, trên đường lên Ðà Lạt, cặp mông của chúng tôi đã bị đá cả ngàn cái, ê ẩm từ trên xuống dưới, đau từ phần cứng đến phần mềm.  Uất ức lắm!  Thất vọng lắm!  Uất ức và thất vọng vì sự hạ thủ một cách tàn nhẩn, vô luật và không thương tiếc của đàn con, cháu Lạc Long Quân.  Biết bao thập niên, sự lượn uốn mềm mại, ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, chật hẹp của đường Ðèo Ngoạn Mục qua những sườn đồi lên xuống đã được sự ưu đãi của thiên nhiên nên cảnh quang hai bên đèo xanh đẹp, hoang sơ.  Hơn nữa, nằm trong khu Bảo tồn Thiên nhiên thì ngoài việc xòe tàng che bớt nắng cho người lữ hành thì những cây cổ thụ mọc hai bên đèo cũng là nhà, sân chơi của biết bao loài chim rừng, thú hoang.  Vừa nhập đèo Ngoạn Mục, những cặp mông Xuyên Việt 2011 đã bị đá te tua bởi sự gồ ghề vô trật tự của con đường đèo.  Nhiều đoạn đường nhựa nhẵn lì một thời giờ bị công trình nới rộng cầy xới te tua, vương vãi những đá tảng và đầy rẩy ổ gà hố voi.  Nhiều triền núi xanh um thực vật giờ bị xạc đẻo, trơ trọi những mảng dốc lồi lõm các loại đá khủng , đá trung, nằm chơ vơ, lỏng lẻo, trên những triền dốc bị lột trần.  Những khúc cua cùi chỏ lịch sử giờ bị cưa cụt, trơ chọi cái cùi chỏ đầy đá tảng nằm lăn lóc, lồi lõm, vương vãi khắp nơi.  Nhiều khung cảnh tàn tạ hai bên đèo hoàn toàn khác xa với những khung cảnh đẹp đã lưu trong tiềm thức và ký của các thành viên Xe Ðạp Xuyên Việt.  Ngoạn Mục 2011 là chặng đường khổ cực vì ngoài sự mệt nhọc, nặng nề của dốc lên và sự vương vãi của biết bao chướng ngại vật của công trình nâng cấp, chúng tôi còn phải nhức óc để "delete" (xóa) bao nhiêu ký ức và tiềm thức đẹp đã ghi về con đèo tuyệt vời này.  Thầm nghĩ, ông Yersin có sống lại chắc phải chưởi đổng nhiều câu cho hả giận!  Khi dừng chân nghỉ giải lao cạnh những chòi nước trên đỉnh Ngoạn Mục, chúng tôi có dịp trò chuyện, thăm hỏi về con đường đèo đang bị bộ Giao Thông xẻ ra làm đẹp.  Những chị bán nước cho hay đường Ðèo Ngoạn Mục đã bị bầm đập, cầy xới trên một năm rồi.  Thầu thì đã bị đổi vài nhà.  Cứ thầu này vô, đập phá một tăng rồi biến, thầu khác vào cấy xới một hồi rồi lặn không sủi tăm.  Thầu hiện tại không đủ tiền chi công nhân nên họ bỏ về hầu hết.  Hèn chi, từ khi nhập đèo cho đến khi dừng chân trên đỉnh, chúng tôi chỉ thấy lèo tèo vài anh chị công nhân lui cui dùng búa tạ đập những tảng đá to thành cục đá nhỏ.  Với số lượng công nhân lèo tèo, quỹ xây dựng thì chuyền tay không cần ký, lại thêm mùa mưa sắp tới thì đường đèo Ngoạn Mục còn lồi lõm đến thiên thu vạn đại.  Các bạn sử dụng Ðèo Ngoạn Mục sau năm 2011 nên tìm hiều về tiến trình của công trình nâng cấp từ các tay thổ địa để có thể lên một chương trình an toàn cho chính mình.

Xuyên Việt 2011 ôn lại những chặng đường Bắc-Nam mà bao lần chúng tôi đã hăm hở chinh phục. Ôn lại ký ức đã tiềm ẩn trong tâm trí từ chuyến xuyên Việt bất thành năm 1999.  Chúng tôi mừng khi nhìn thấy sự phát triển của đất nước-nhà nước đã giàu lên thì dân chúng cũng bớt nhọc nhằn!?  Chúng tôi buồn khi nhìn những cánh đồng mầu mỡ đang bị thu hẹp bởi sự phát triển của nền kinh tế nhảy vọt-đất hẹp dân đông thì đàn con cháu lấy đất mầu mở đâu để nuôi thân!  Chúng tôi bàn hoàn khi thấy biết bao nhà máy xi-măng mọc cạnh những ngọn núi ngàn năm của dân tộc-đấy là những án tử cho môi trường sinh thái và con người sống quanh chúng.  Tim của chúng tôi quặn đau, rỉ máu, khi nhìn những ăng-kết chưa phai của biết bao tai nạn giao thông nằm rải rác, liên tục, trên các con đường dọc theo lộ trình.  Kẻ bàng quan như chúng tôi thì làm sao cảm nhận được sự đau đớn, mất mác của biết bao gia đình có liên hệ đến các nạn nhân?  Luật lệ, trách nhiệm và dân trí núp ở đâu? Sao lại để mạng sống của biết bao con người Việt bị cướp đi một cách rẻ mạc đến thế!  Chúng tôi chua xót cho niềm tự hào "đập tan đô hộ, đánh đuổi ngoại xâm, quẹt ngã Ðế Quốc" khi chứng kiến những ống xi-lanh của các tay nghiện heroin nằm lăn lóc ở chân cầu, vệ đường.  Bài học lịch sử của sự bạc nhược thế hệ, lây truyền căn bịnh của thế kỷ, và sự tăng vọt của tội phạm xã hội xuất phát từ sự nghiện ngập heroin sao lại xao lãng để những kẻ buôn bán á-phiện hủy hoại bao mái ấm gia đình, đẩy biết bao tuổi thanh xuân vào vòng lao lý, tù tội!  Những người có trách nhiệm, có quyền thế, có địa vị, có tiếng nói, có sự tín nhiệm ủy thác của cả một dân tộc phải gánh lấy trách nhiệm của hậu quả nghiện ngập heroin vì sự bó tay, thờ ơ, ngó lơ, hay đồng lõa để sự nghiện ngập thuốc phiện di căng tràn lan vào xã hội.  Chúng tôi vui mừng khi nhìn thấy các em trong "Hành Trình Xanh" rong ruổi, cuốc bộ từng cây số Bắc-Nam, với mục đích mang những thông thông điệp ý thức để thức tỉnh những người cứ mải mê phóng uế công nghiệp ra căn nhà của họ đang sống...Hành Trình Xanh chứng minh bầu nhiệt huyết "dân tộc" của tuổi trẻ vẩn còn âm ỉ trên mảnh đất tưởng chừng đang ngủ mê trên hơi say của bàn nhậu, của tiền tài, của tham vọng...
Ngày
(Ngày-Tháng-Năm)
Lộ TrìnhĐường Dài Địa Hình
04-07-2011Hà Nội-Ninh Bình97 km (60 miles)Đồng bằng Bắc Bộ. Đường phẳng.
05-07-2011Ninh Bình-Thanh Hóa63 km (39 miles)Đồng bằng ven biển.  Có dốc lên xuống nhẹ.
06-07-2011Thanh Hóa-Vinh138 km (86 miles)Vùng ven biển.  Có đồi dốc lên xuống nhẹ.
07-07-2011Nghỉ chân ở VinhDu lịch bãi biển Cửa Lò
08-07-2011Vinh-Xã Kỳ Nam127 km (79 miles)Vùng ven biển.  Có đồi dốc lên xuống vừa
09-07-2011Xã Kỳ Nam-Đồng Hới74 km (46 miles)vùng ven biển.  Có đồi dốc lên xuống nhẹ
10-07-2003Đồng Hới-Đông Hà95 km (54 miles)Vùng ven biển.  Có đồi dốc lên xuống nhẹ
11-07-2011Đông Hà-Huế69 km (48 miles)Vùng ven biển.  Có dốc lên xuống nhẹ.
12-07-2011Huế-Đà Nẵng106 km (66 miles)Vùng ven biển.  Có đồi dốc lên xuống khó
13-07-2011Đà Nẵng-Quảng Ngãi130 km (82 miles)Vùng ven biển.  Có đồi dốc lên xuống vừa
14-07-2011Quảng Ngãi-Bồng Sơn90 km (56 miles)Vùng ven biển.  Có đồi dốc lên xuống vừa.
15-07-2011Bồng Sơn-Quy Nhơn90 km (56 miles)Vùng ven biển.  Cố đồi dốc lên xuống vừa.
16-07-2011Quy Nhơn-Tuy Hòa95 km (59 miles)Vùng ven biển.  Có đồi dốc lên xuống vừa
17-07-2011Tuy Hòa-Nha Trang124 km (77 miles)Vùng ven biển.  Nhiều đèo dốc lên xuống vừa.
18-07-2011Nghỉ chân ở Nha Trang

19-07-2011Nha Trang-Tân Sơn (QL1A, QL 27B)126 km (79 miles)vùng ven biển.  Có đồi dốc lên xuống nhẹ.
20-07-2011Tân Sơn-Đà Lạt74 km (46 miles)Đường lên Tây Nguyên.  Độ cao tăng.  Khó
21-07-2011Đà Lạt-xã Phú Sơn (Tân Phú)155 km (97 miles)Đồi núi lên xuống.  Độ cao giảm mạnh.  
22-07-2011xã Tân Phú-Sài Gòn141 km (88 miles)Đồi núi lên xuống.  Độ cao giảm.
Hà Nội-Sài Gòn dài 1840 km (1150 miles).  Chia ra 17 chặng; Hoàn tất trong vòng 19 ngày
 
Copyright 2020. All rights reserved.
Back to content | Back to main menu