- Xe Đạp Xuyên Việt

Go to content

Main menu:

Kỷ Thuật Xuyên Việt

Bạn thân mến, chúng tôi lưu lại vài kiến thức và kỷ thuật sửa chữa những trục trặc xe đạp rút từ kinh nghiệm hành trình, sưu tầm, học hỏi.  Ước mong những kiến thức và kỷ thuật này trở thành hữu ích cho hành trình xuyên Việt của bạn.  Những kiến thức về sửa chữa, bảo trì xe đạp được đăng tản mác khắp nơi trên internet, bạn đừng quên.

  1. Căm:  Một trong những trục trặc nhức nhối khi bạn sử dụng xe đạp để đi "ngao du sơn thủy" theo dạng tự tải (fully loaded tour) là vấn để gãy căm, cong vành.  Nếu bạn là một tay bắt căm và chỉnh vành chuyên nghiệp thì việc thay căm và chỉnh vành cho hết méo không là vấn đề nan giải cho bạn.  Dù vậy, để bánh xe của bạn hoạt động thật tốt sau khi đã thay căm và chỉnh vành thì căm "sơ cua" của bạn mang theo trong bị hành trang phải đúng loại, và đúng cở.  Ðể biết căm bánh xe đạp của bạn thuộc loại và cở gì, bạn có thể tham khảo với những tay bắt căm chuyên nghiệp, hoặc tự nghiên cứu qua 5 loại căm sau:
    1. Căm Thường-Căm Một Đường Kính (Straight gauge spoke)
      Loại căm này suôn đuột, cứng khừ.  Ðây là loại căm dễ sản xuất vì không cần kỷ thuật se căm.  Khả năng đàng hồi của căm "thường" kém nên phần "cùi chỏ" chịu khá nhiều lực-nhất là khi bị xốc.  "Căm thường" có nhiều cở từ 1.9 mm đến 2.9 mm.  Những tay đan chuyên nghiệp ít sử dụng loại căm này để đan những vành xe có chất lượng cao vì thời gian đan căm và chất lượng của bánh xe không được cân xứng như các loại căm 2 hoặc 3- vòng.
    2. Căm 2-Đường Kính (Double butted spoke)
      Ðường kính của vòng đầu và vòng cuối bằng nhau.  Vòng giửa nhỏ nên khả năng đàn hồi tốt vì thế lực không tập trung vào phần "cùi chỏ" hoặc đầu căm.  Loại căm 2-đường kính khá thông dụng trong việc đan các bánh xe có chất lượng cao và sử dụng cho khá nhiều thể, loại.  Căm cở 1.8/1.5/1.8 được sử dụng khá thông thường trong nhiều trường hợp.  Nếu muốn bánh xe cứng hơn thì sử dụng căm cở 2.0/1.8/2.0.
    3. Căm 3-Đường Kính (Triple butted spoke)
      Ba vòng với 3 đường kính khác nhau như những người mẫu của thế kỷ 21.  Ðường kính ở phần "cùi chỏ" to nhất nên sức chiệu lực tại đây được nâng cấp.  Phần giửa nhỏ nhất nên khả năng đàn hồi tốt và làm giảm lực tác động tại phần đầu và phần "cùi chỏ".  Dù không thông dụng bằng loại căm 2-đường kính, nhưng nếu sử dụng nó để đan vành xe "touring" thì vấn đề gãy căm sẽ giảm đi rất nhiều.
    4. Căm Dẹp (Căm Lá Hẹ) (Bladed or Aero Spoke)
      Giống như căm thường nhưng phần giửa được tán dẹp để tạo sức đàn hồi và "xẻ gió".  Những tay sử dụng loại căm này thường tự hào là chúng không có cản gió như cánh diều nên dzọt lẹ.  Tuy vậy, vấn đề dzọt lẹ còn tùy vào thể lực nhưng nhìn những bánh xe sử dụng loại căm này thì người ta tưởng người cởi phải là dân "prồ"-mặc dầu chạy chậm như rùa.  Khi sử dụng loại căm dẹp, bạn phải lưu tâm đến trục xe của bạn.  Nếu phần tán dẹp to hơn lỗ căm của trục xe, bạn phải xẻ lỗ căm để có thể luồn cây căm dẹp vào vị trí.  Hiện tại trên thị trường có nhiều loại căm dẹp vừa đủ nhỏ để xỏ xuyên qua lỗ căm mà không cần phải xẻ lỗ.
    5. Căm Ðũa (Straight-pull spoke)
      Dù hình thù có khác biệt, nhưng nói chung thì nó suôn đuột như cái đũa ăn cơm-không có "cùi chỏ" để móc vào lỗ căm như những loại căm ở trên.  Nếu sử dụng loại căm đũa, thì trục xe của bạn phải được chế để dùng cho loại căm này.  Vành xe của bạn cũng phải lưu tâm khi khoang lỗ căm cho đúng vị trí.
  2. Cách Ðan Căm:  Nếu có trong tay một nắm căm thuộc hàng hiệu như DT Swiss hoặc của Wheelsmith nhưng tay đan lại đan không đúng cách và độ căng của căm không đúng tiêu chuẩn thì bánh xe của bạn cũng không đạt được kết quả như mong muốn.  Hiện tại thì các tay đan căm chuyên nghiệp chỉ sử dụng một trong 2 cách đan sau để đan:
    1. Ðan thẳng (Radial spoking)
      Cách đan thẳng chỉ sử dụng cho bánh xe trước và xe bạn phải sử dụng loại thắng niềng để không có lực xoay (torque) phát xuất từ trục xe, vì nếu có lực xoay (torsional loads) như là lực đạp hoặc lực thắng dĩa thì căm sẽ bị ép cong theo đường tiếp tuyến (tangential) của trục xe.  Độ căng của căm di chuyển và thay đổi liên tục sẽ làm căm mau bị gãy tại cùi chỏ.
    2. Ðan chéo (Tangential Spoking)
      Hầu hết các tay đan bánh xe đạp sử dụng cách đan này để chuyển lực xoay từ trục xe đến xe một cách hữu hiệu.  Loại đan này thì căm xe được bắt tiếp tuyến từ lỗ căm của trục xe và đan chéo qua từ 1 hoặc 4 cây căm để xỏ qua lỗ căm của niềng xe.  Đan kiểu này thì lực đạp hoặc thắng từ trục xe được chuyển qua nhiều cây căm để dẩn đến niềng xe. Quan sát hình đan tiếp tuyến ở dưới.  Khi bạn dặm lên bàn đạp thì dây sên của bạn kéo xoay trục xe như vậy nó tao lực xoay (torque) để xoay bánh xe sau của bạn. Những cây căm chịu nhiều lực là những cây căm chịu lực kéo (pulling spokes). Lực xoay (torque) được phân tán cho những cây căm chịu lực kéo (pulling spokes) tùy theo góc độ của căm để chuyển đến niềng xe cho hiệu nghiệm và làm giảm sức kéo cho nhau. Có 4 cách đan tiếp tuyến, bạn có thể đan chéo qua 1, 2, 3 hoặc 4 cây căm.  Loại đan chéo qua 3 căm được xem là loại đan hữu hiệu và đủ cứng cho bánh xe.  Đan chéo qua 4 căm chỉ sử dụng khi trục xe của bạn có viền to (large flange hubs) để tránh việc các đầu tán của căm nằm chồng lên nhau
       
  3. Niềng Xe:  Những niềng xe có chất lượng cao thường là loại niềng "2 lớp" của những hảng nổi tiếng như Velocity, Reynolds, DT Swiss, Shimano, Campagnolo...Loại niềng "2 lớp" nhẹ và cứng nhưng đòi hỏi kỷ thuật để sản xuất, dù vậy, nếu bạn mua niềng từ những nơi mà kỷ thuật "nhái" được công nhận là hạng "thượng thừa" thì phải cẩn thận, kẻo mua nhằm hàng "nhái" kém chất lượng.  Vật liệu làm niềng thì có nhiều chất như là carbon, ksyrium, aluminium...Hiển nhiên, mỗi hảng sản xuất niềng có cách quảng cáo để "lôi kéo" khách hàng.  Bạn nên sử dụng mạng điện toán toàn cầu (world wide web-www) để sưu tầm về thể loại, giá cả, chức năng, hoặc chất lượng của niềng trước khi quyết định nâng cấp cặp niềng xe.
    Tùy theo mặt cắt ngang (cross-section) của niềng mà người ta liệt kê niềng xe đạp vào một trong hai loại niềng thông dụng sau:  
    1. Niềng Clincher-Niềng Có Ruột
      Niềng clincher có mép móc để bạn lắp vỏ xe vào khớp.  Hầu hết các vỏ xe dùng cho niềng "clincher" đòi hỏi bạn phải có ruột xe.  Vì sự dể dàng thay và vá ruột cũng như vỏ xe của niềng này nên niềng clincher tương đối thông dụng cho tất cả các thể, loại xe đạp.
    2. NiềngTubular-Niềng Không Ruột
      Xem bề cắt (cross-section) của hình dưới bạn sẽ thấy sự khác biệt giửa niềng clincher (niềng có ruột) và niềng tubular (niềng không ruột).
      Niềng tubular không có mép móc vỏ xe như niềng clincher nên bạn không thể sử dụng vỏ của niềng clincher để lắp cho niềng tubular.  Vỏ xe của niềng tubular không cần ruột nên khi lắp thì bạn phải dán keo cho nó dính vào niềng.  Bạn không nên sử dụng niềng tubular để đi "tour" vì sự rườm rà  khó thay và vá vỏ xe dùng cho niềng "tubular".
  4. Ðộ Căng Của Căm:  Ðộ căng của căm tùy thuộc vào nhiều yếu tố như là căm, chất lượng của căm, ốc căm (nipples types-brass, aluminum, round head, hexagonal..), chất lượng và loại của niềng xe.  Ðể biết chính xác độ căng của căm, người bắt căm phải có tensionmeter.  Việc dùng hai ngón tay để đoán ra độ căng của căm trên đường thì chỉ là việc dùng tạm thời, không được chính xác.
    1. Bánh Xe Trước
      Ðộ căng của căm bên trái (TL) và bên phải (TR) bằng nhau vì chúng câng xứng.  Khi bắt căm trên đường thì độ cứng của ốc căm (nipples) của căm bên trái và căm bên phải cứng tương tự. Theo ý kiến của một số nhà bắt căm, trung bình độ căng của căm bánh trước có độ căng từ 900 đến 1000 Newtons.
    2. Bánh Xe Sau
      Nhìn hình dưới thì bạn biết là độ căng của căm bên trái (TL) và độ căng của căm bên phải (TR) không đều nhau vi căm không năm ở vị trí cân xứng (symmetrical). Theo một số nhà bắt căm chuyên nghiệp thì độ căng của căm bên trái chỉ căng khoảng 60 đến 65% của căm bên phải.  Trung bình độ căng của căm nằm bên phía líp xe có độ căng từ 1000 đến 1100 Newtons, và căm bên trái có độ căng trung bình từ 600 đến 700 Newtons.  Vì thế, khi bạn bắt căm trên đường thì những con ốc căm của căm bên trái không có cứng như những con ốc của cây căm bên phải.
  5. Cách Căng Căm Gãy:  Bạn đang đi "tour" trên đường và tự dưng bánh xe của bạn bị méo và va sệt sệt vào thắng thì bạn biết là một cây căm đã bị gẫy.  Bạn chỉ việc tìm ngay cái chổ bị méo và dùng ngón tay lay lay những cây căm nằm ở vị trí đấy thì sẽ tìm ra được cái cây căm bị gãy.  Nếu bạn không có căm "sơ cua" để có thể thay thì bạn có thể nới thắng ra để khỏi bị lực ma sát làm chậm tốc độ.  Sau khi nới thắng, bạn nên cột cây căm gãy vào một cây căm thuận chiều nào đó để làm dấu và tránh vấn đề thả lỏng cây căm đã lìa đời.  Khi đến điểm dừng chân qua đêm, bạn tháo cái bánh xe đấy ra và tìm một tay bắt căm để thay cây căm gãy cho bạn.
    Nếu bạn muốn mang theo căm "sơ cua" để bạn có thể tự sửa lấy thì qua những đề tài trước, bạn đã hiểu cách cấu tạo của căm, niềng xe, và độ căng của những cây căm. Về niềng xe, những chiếc xe đạp có chất lượng cao thì họ dùng niềng "2 lớp", vừa cứng lại vừa nhẹ, vì thế khi mang theo căm "sơ cua" bạn có hai cách:
    Cách thứ nhất là mang theo đúng độ dài của căm.  Như vậy bạn phải mang theo đến 3 loại căm. Căm cho bánh trước và căm cho bánh sau. Độ dài của căm bánh trước cân xứng nên chúng bằng nhau.  Độ dài của căm sau không câng xứng nên có 2 độ dài khác nhau.
    Cách thứ hai là bạn mang theo một loại căm "sơ cua" mà độ dài có thể sử dụng cho cả 2 niềng xe.  Bạn nhìn theo hình dưới thì có thể đoán ra là nếu xe bạn có loại niềng "2 lớp" thì căm "sơ cua" của bạn có thể dài hơn độ dài chính thức nhưng nó phải nằm trong phần "hầm" của niềng, không được quá dài để có thể xỉa qua "hầm" mà đâm thủng ruột (xăm).
    Nếu trên tay bạn có căm "sơ cua" và bạn muốn thay cây căm bị gãy trên đường, theo kinh nghiệm, bạn hãy tìm một quán nước tươm tất cạnh đường mà vào đấy.  Vừa nốc nước cho hạ nhiệt, vừa có thời gian để từ từ, thoải mái thay căm, chỉnh vành.  Nơi đấy cũng là nơi an toàn cho hành lý của bạn.  Điều tối kỵ của việc thay căm gãy là hấp tấp, nóng nảy.  Trước khi thay cây căm gãy bạn hãy qua sát cách đan của nó để khi bạn xỏ cây căm mới vào cho đúng.  Cách xỏ cây căm "sơ cua" vào vị trí thì mình miễn bàn vì bạn biết là phải tháo vỏ, ruột, và có khi bộ líp để xỏ cây căm "sơ cua" vào đúng vị trí.  Khi đã xỏ căm và bắt ốc căm rồi thì bạn nên đánh dấu cây căm gãy bằng một miếng băng keo, hoặc sợi dây để nó không bị thất lạc.  Sau đó bạn cứ thong thả tăng độ căng của nó cho đến khi bằng với độ căn của những cây căm nằm cùng phía.  Làm sao để biết được cây căm mới này đã căng đủ chưa thì tùy vào kinh nghiệm "khẩy đàn" của bạn hoặc nếu có trong tay cái "tensionmeter" thì đo lấy.  Thông thường thì khi độ căng của nó đã đúng thì cái vành xe bị méo sẽ bị cây căm mới này kéo về vị trí của nó.  Bạn đừng có vội vã, siết hoặc nới những cây căm nằm cạnh nó khi cây căm mới này chưa đủ căng.  Làm như vậy bạn vô tình thay đổi độ căng của những cây căm bên cạnh cây căm mới một cách ẩu tả, không cần thiết.  Nếu đã căng đúng độ mà niềng vẫn còn méo thì bạn siết hoặc nới vài cây nằm cạnh nó tùy độ méo.  Nếu vành xe bị kéo về bên phải thì ban nới cây căm bên phải và siết cây căm bên trái để nó kéo về bên trái.  Ngược lại thì siết cây căm bên trái, nới cây căm bên phải.  Ðừng nới hoặc siết hơn 1/4 vòng hoặc.  Không nên vội vã trong việc chỉnh vành, bạn nên từ từ, chậm rãi mà chỉnh.  Đừng quá hấp tấp để nới hoặc siết những cây căm nằm cạnh cây căm mới quá nhiều để rồi bạn lại rối loạn vì vành xe bị méo mó lung tung.  Khi niềng xe đã tròn, bạn đừng quên tăng lại độ căng của những cây căm đã nới, siết để độ căng của chúng được trở lại như lúc ban đầu và căng đểu với những cây khác cùng bên.
  6. Bao Baga (Bao Tải Hành Lý) "Panniers":  “Bao Baga” là thiết bị không thể thiếu trong bất cứ một chương trình du lịch bằng xe đạp ở Việt Nam.  Bao baga có nhiều loại, nhiều cở, vì thế người mua phải hiểu rỏ chất lượng của từng loại bao để tránh bao bị rò khi gặp mưa.  Nói chung thì bạn tự chọn loại bao baga nào thích hợp cho trò chơi và khí hậu nơi đó.  Nếu bạn sống ở những vùng có thời tiết khô ráo, ít mưa như Nam California thì loại “water resistance” (tạm chống thấm) kể như đủ dùng.  Còn nếu bạn sống ở nhưng nơi có lượng mưa nhiều như ở Việt Nam thì bạn nên sử dụng loại chống thấm nước (water proof) còn loại “tạm chống thấm” (water resistance) thì chẳng ăn thua gì.  Xin liệt kê sau đây những bao baga mà chúng tôi đã sử dụng:
    1. Underseat bags.   Ðây là bao baga nhỏ gắn ngay dưới yên xe và được móc vào cột yên (seat steam) nên nó không vướng véo, cản trở người sử dụng.  Loại này nhỏ nhưng vừa đủ để bạn chứa một hoặc 2 ruột xe, bộ nạy căm, bộ khóa đa năng (mini tools), vài thẻ kẹo (power bars), và ống bơm “đại tiểu”-loại bơm nhỏ xíu sử dụng ống hơi nén CO2.
    2. Handlebar bags.  Ðây là loại giỏ baga treo phía trước xe được cột vào gi đông (handlebar).  Loại này có nhiểu cở và loại.  Tùy theo cở (size) mà mình có thể mang theo những thứ tiện dụng.  Một số bao “handlebar bag” được thiết kế đặt biệt để bạn có thể đính kèm bản đồ hành trình rất tiện cho việc quan sát đường đi.
    3. Rear panniers.   Muốn sử dụng giỏ treo yên sau “rear panniers” để tải đồ thì xe của bạn phải gắng yên sau để có thể treo loại giỏ này vào .  Giỏ treo yên sau “rear pannier” bán từng cặp và có thể tích khá to, nên bạn có khả năng tải khá nhiều hành lý trong đó. Qua kinh nghiệm thì chúng tôi ít sử dụng giỏ treo yên sau “rear panniers” để tải hành lý cá nhân vì nếu nhét đầy đồ vào cặp “rear panniers” thì nó sẽ phồng to lên như cánh bườm.  Gặp gió xuôi thì chạy lẹ như tên còn ngược gió thì đạp thò lưỡi vẫn chẳng ăn thua gì.
                
    4. Front panniers.  Muốn sử dụng loại giỏ này để tải đồ phía trước xe thì xe bạn phải có loại yên gắng phía trước để có thể treo giỏ “front panniers” vào vị trí an toàn của nó .   Giỏ treo yên trước "front panniers" cũng bán theo cặp và với khả năng tải đồ hạng trung thìchúng tôi chỉ có thể sử dụng giỏ treo yên trước "front panniers" để dùng làm vật tải đồ ở sau xe vì nó khá gọn và ôm sát vào yên xe.
                   
    5. Trunk bag.   Loại này giống như cái rương nhỏ được thiết kế để đeo chặt vào yên sau.  Về thể tích thì nó to hơn thể tích của loại “handlebar bag” nhưng không to hơn giỏ “rear panniers” hoặc “front panniers”.  Loại "trunk bag" này khá tiện khi bạn sử dụng để chở ít đồ cá nhân trong hành trình.  Không nên sử dụng loại bao tải (duffebags or sports bags) để thay thế cho “trunk bag” vì nguy hiểm của sự xê dịch của bao tải trong hành trình xa.



 
Copyright 2020. All rights reserved.
Back to content | Back to main menu