- Xe Đạp Xuyên Việt

Go to content

Main menu:

Xuyên Việt 2007: Đồng Bằng Sông Cửu Long

12/11/2007, "Xe Ðạp Xuyên Việt" khởi hành với năm thành viên (Minh, Tân, Hùng, Hàm, Anh), một hướng dẫn viên (Nguyễn Hoàng Nam), và một thân hữu (Hằng Ðịnh).  Chúng tôi sử dụng một "road bike", bốn "touring bike", và một xe máy.

Xe Ðạp Xuyên Việt 2007 khởi đầu từ Thành Phố HCM (Ðông Nam Bộ) và đi vòng qua hầu hết các tỉnh thuộc vùng đồng bằng Sông Cửu Long trừ tỉnh Vỉnh Long, Hậu Giang và TP Cần Thơ-đã đi trong Xuyệt Việt 2005.  Chu vi của chuyến đi Xuyên Việt-Ðồng Bằng Sông Cửu Long 2007 vào khoảng 790 km.  Hầu hết các chặng là những tuyến đường nhỏ xa Quốc lộ 1A.  Nhờ vậy, anh em Xuyên Việt mới có may mắn thưởng lãm những cảnh đẹp êm đềm của làng quê Việt Nam dọc theo tuyến đường.  Vì chọn những tuyến đường nhỏ nên lộ trình Xuyên Việt 07 được lên khung cặn kẻ và chu đáo.  Dù vậy, khi khởi hành chúng tôi phải thay đổi vài tuyến đường để phù hợp với hoàn cảnh thực tế:  Hủy chặng Hà Tiên (Kiên Giang) đi Châu Ðốc (An Giang) vì con đường cạnh biên giới Việt-Campuchia vẩn còn trong thời kỳ thi công, chưa hoàn tất; thay đổi lộ trình từ thị xã Cao Lãnh (Ðồng Tháp) đi thị trấn Tân Thạnh (Long An) bằng lộ trình từ thị xã Cao Lãnh đi thị xã Tân An (Long An)-bởi lẽ tỉnh lộ 829 từ Tân Thạnh đến tỉnh lộ 865 hiện đang thi công rầm rộ!  Dân địa phương cho hay đoạn đường này rất xấu, khó đi và nguy hiểm.  Tuy có những "đột biến" vào giây phút cuối nhưng những "trục trặc" kỹ thuật ấy chẳng những không ảnh hưởng đến tinh thần Xuyên Việt mà lại còn mang đến cho Xe Ðạp Xuyên Việt sự may mắn ngoài ý muốn-thêm sự an toàn cho mọi người.  An toàn trên đường luôn là yếu tốt tuyệt đối trong mọi chương trình du ngoạn Xuyên Việt trên con "ngựa sắt"...cà tàng.  "An Toàn Là Mẹ Thành Công" luôn là kim chỉ nam cho hành trình Xuyên Việt bằng xe đạp.

Xuyên Việt-Ðồng Bằng Sông Cửu Long 2007 thành công mỹ mãn.  Chúng tôi không "tour" theo kiểu "Tour De France" nên không có xe hơi hộ tống.  Hành trình Xuyên Việt đơn giản chỉ có người hướng dẫn trên chiếc xe gắn máy gọn, nhẹ, giúp chúng tôi đi đúng hướng, đúng đường ở những ngã ba, ngã tư, và những chỗ ngoặc của lộ trình.  Mỗi cá nhân phải tự "đèo" lấy hành lý của mình.  Cho dẫu trọng lượng hành lý đã được cắt giảm tối đa, nhưng "bài học xương máu" từ những chuyến đi trước, chúng tôi vẫn phải "nâng cấp" bánh xe sau để tránh...gãy căm!.  Chính sự chu đáo này đã giúp Xuyên Việt 2007 thành công-không một cây căm bị gãy, không một bánh xe cong vành!

Ðịa lợi!  Những chặng đường chúng tôi đi nằm trong khu vực đồng bằng.  Miền Nam được nhiều người yêu thích bởi nét đẹp đặc biệt của những dòng sông chở nặng phù sa, những đồng lúa xanh rì, những vườn cây trĩu quả, những chuyến phà, con đò xuôi ngược khắp nơi...Trước chuyến đi, chúng tôi-những anh, chị "Xuyên Việt"-cứ ngỡ đồng bằng chỉ là những đoạn đường phẳng phiu, trơn tru.  Nhưng khi vào cuộc, mới biết, chúng tôi..."bé cái lầm"!  Khu vực Núi Két, Núi Cấm của tỉnh An Giang không chỉ là đoạn đường phẳng; ở đó có cả đồi lẫn dốc trên một đoạn dài khoảng 10 kilômét.  Nhưng, mọi người đừng lo!  Những dốc núi này chỉ làm chậm tốc độ chứ không phải là những ngọn đồi chót vót làm mọi người phải mỏi gối, chùn chân như ở miền Trung.

Nhân hòa!  Mọi người thường bảo:  Người dân miền Nam hiền hòa, chịu chơi.  Còn chính người dân miền Nam mà anh em chúng tôi gặp trên đường thì tự hào:  Ừa, dân Nam Bộ tụi tôi chịu chơi lắm!  Chơi xả láng sáng "dzìa" sớm mà!  Quả vậy, người dân miền Nam hiền hòa, chất phác, chịu chơi và nhất là chịu...nhậu!  Cô bán nước bên đường mà chúng tôi gặp cho biết:  "Tháng 11 mới vào mùa nước giật.  Ruộng, rẫy còn quá nhiều nước nên cả làng, cả xóm chẳng làm ăn gì được ráo"!  Thế là nhậu "quắc cần câu" trở thành thú tiêu khiển của quý ông vào mùa nước lớn.  Còn quí bà, quí cô thì thích chụm năm chụm ba để mổ xẻ tin đồn của hàng xóm.  Có lẽ vậy mà người dân vùng này chẳng mấy ai để ý đến những khách lữ hành trên chiếc xe đạp cà tàng như chúng tôi.  Có chăng là họ nhìn chúng tôi một cách tò mò, ngạc nhiên bởi lẽ ở thời hiện đại vẫn có những anh chị "dở người" du lịch bằng xe...đạp!  Có người lại phang cho một câu nghe cũng bùi tai:  "Sao không đi du lịch bằng xe bốn bánh cho sướng cái thân!  Tội lệ gì..."  Ừa, mà chúng tôi cũng "dở người" thật!  Ai bảo chúng tôi điên, dại...cũng mặc!  Du lịch Việt Nam trên chiếc xe đạp vẫn có cái thú riêng của nó, đam mê đến tuyệt vời!  Nếu không tin, các bạn cứ xách xe đạp chạy một vòng đồng bằng Sông Cửu Long thì biết.  Tuyệt cú mèo!

Thời tiết!  Ðặt chân đến phi trường Tân Sơn Nhất, nghe tin tức báo về cơn bão Số 6 (Peipah) thổi vào miền Bắc và miền Trung, chúng tôi không khỏi bùi ngùi.  Gần như năm nào bão cũng đổ vào hai miền nghèo khó của Việt Nam và gây thiệt hại nặng nề.  Lũ dâng cao, hàng vạn người không nhà, rơi vào cảnh đói và lạnh.  Chưa hết, biết bao nhiêu đường xá, nương đồng bị lũ phá hủy tàn khốc.  Tin bão đến khiến chúng tôi thật sự bồi hồi.  Thương cho dân sống trong vùng bão đã vậy, chúng tôi còn lo cho chuyến đi của chính mình.  Nếu cơn bão Số 7, theo dự đoán, thổi vào vùng đồng bằng Nam bộ thì chúng tôi chỉ có nước vác xe đạp, bơi lủm tủm cho đến hết chuyến đi.  Trong cái lo toan đó chúng tôi vẫn can đảm bước vào cuộc hành trình.  Quả là may mắn, ngoài vài trận mưa rào làm dịu bớt cái nóng chảy mở của vùng đồng bằng sông Cửu Long, giông bão đã không gây ảnh hưởng đến các lộ trình đã định.

Sửng sờ!  Xuyên Việt-ÐBSCL 2007 không chỉ tạo hứng thú mà còn gây cho chúng tôi những thất vọng, hụt hẫng bất ngờ.  Tập bản đồ Hành Chánh Việt Nam mà chúng tôi có trên tay là tài liệu mới nhất được chỉnh trang và hiện đang lưu hành.  Tập bản đồ được in ấn đẹp, chi tiết.  Chúng tôi cứ ngỡ đó sẽ là "kim chỉ nam" hoàn chỉnh cho lộ trình.  Thế mà, mọi tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng của chúng tôi khi "tác chiến" với thực tế thì thật là...hỡi ôi!  Có những đoạn đường được Nhà Xuất Bản in đẹp đẽ, rõ ràng trên bản đồ trở nên..."hô biến" trên thực tế!  Ðiển hình là bến phà Cổ Chiên được đánh dấu rành rành trên tập bản đồ hành chánh, được xem là phương tiện giao thông duy nhất nối liền Quốc lộ 60 giữa tỉnh Bến Tre và Trà Vinh, có thể nào sai lầm được!  Thế mà, khi chúng tôi hì hà hì hục đạp đến cuối đường để chuẩn bị lên phà thì...Trời hỡi!  Suýt té xỉu!  Bến phà có đó nhưng chẳng có một con phà nào lảng vảng dưới sông.  Hỏi người dân sống cuối con đường thì mới hay bến phà Cổ Chiên hiện đang làm, năm 2008 mới chính thức hoạt động!  Thật là một thất vọng đến mắc cười!  "Nhà Xuất Bản Bản Ðồ" đã chơi khăm quần chúng!  Không biết những nhà có trách nhiệm "hướng dẫn đường đi" có thấu hiểu cái cảnh dở khóc dở cười của khách du lịch chăng?!  Không lẽ chúng tôi vác xe đạp, bơi qua sông Cổ Chiên rộng cả cây số!  Nếu sống sót đến bên kia sông thì chúng tôi là những nhà vô địch đầu tiên trên thế giới dám vác ngựa sắt vượt sông Cổ Chiên!  Trong cái rủi, chúng tôi gặp may.  Người dân địa phương chỉ chúng tôi đi theo một con đường làng nhỏ, lởm chởm đá, rợp bóng cây, dài cả chục cây số để đến một bến phà nhỏ không có đánh dấu trên bản đồ để sang sông.

Ðâu chỉ có phà Cổ Chiên!  Tỉnh lộ 865 băng qua con Kênh Mười Hạt để đi thị xã Tân An cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.  Khi chúng tôi tới khu vực này thì con đường bị chắn ngang, cấm xe lưu thông qua lại.  Chúng tôi bàng hoàng chẳng biết ất giáp ra sao!  Không lẽ đây là con đường cấm!  Vô lý!!  "Nhà Xuất Bản Bản Ðồ" lại chơi khăm quần chúng đến thế nhỉ!  Hỏi ra thì mới biết là cái cầu đã bị sập từ ba đời tám tổng.  Bộ giao thông còn đang bỏ ngỏ chưa có dành đủ tiền xây lại!  May là còn có những vật liệu chấn ngang để cấm xe hơi, xe tải; nếu không chúng đã rơi tọt xuống kênh.  Phần xe hai bánh thì..."ưu tiên", cứ tiếp tục chạy xuống bến phà tạm mà qua sông!  Tuy vừa bực mình, vừa hồi hộp vì chuyện "up date" bản đồ của Nhà Xuất Bản, chúng tôi vẫn cảm thấy mình được an ủi đôi chút khi nhận ra rằng những bất ngờ có lối thoát trên đường là những hồi hộp lý thú của chuyến đi.  Chia sẻ với các bạn điều này để thấy rằng du lịch bằng xe đạp ở Việt nam là bài toán tưởng chừng đơn giản nhưng lại có quá ư là nhiều đáp số!  Giải tích cở nào cũng trúng...gió!!  Ðừng tin tuyệt đối vào...bản đồ!

Chua xót!  Những vườn cây trái xanh rợp bóng, những con sông, con kênh cuồn cuộn màu phù xa, những cánh đồng ăm ắp nước...Những cảnh êm đềm ấy của vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn tạo cho chúng tôi cảm giác thoáng, khoáng dã của vùng quê trong mùa nước lớn.  Dù vậy, những sự thật được vẽ nguệch ngoạc trên đường đã làm chúng tôi phải lạnh gáy, nổi da gà.  Vâng, Chính phủ đã giàu lên, người dân cũng giàu theo!  Ngày nay người dân mua được chiếc xe gắn máy làm tại Trung Quốc là chuyện rất ư tầm thường.  Rẻ mạt!  Có điều người tậu và người có trách nhiệm lại là hai thế giới riêng biệt.  Nhìn những "ăng kết" của các tai nạn xe hai bánh được vẽ nguệch ngoạc, liên tục, dày đặt trên các tỉnh lộ mà chua xót, lặng người.  Những "ăng kết" chưa phai này là chứng từ hiển nhiên, đích thực của một vấn đề thương tâm, nan giải cho cả một dân tộc:  Tai nạn giao thông!  Chúng tôi là những lữ hành một chiều vòng qua vùng đồng bằng Nam bộ này còn cảm thấy chua xót, bàng hoàng huống chi là những người có liên hệ đến các nạn nhân!  Ðau thương sẽ ăn mòn biết bao gia đình nếu những người say, xỉn và những kẻ ba trợn còn vác xe máy, kéo hết ga sau khi đã nốc cả xị rượu vào trong bao tử rỗng tuếch!
Ngày
(Ngày-Tháng-Năm)
Lộ TrìnhĐường Dài Địa Hình
12-11-2007Sài Gòn-Mỹ Tho62 km (39 miles)Đồng bằng Nam Bộ.  Đường phẳng.
13-11-2007Mỹ Tho-Trà Vinh58 km (36 miles)Đồng bằng Nam Bộ.  Đường phẳng.
14-11-2007Trà Vinh-Sóc Trăng55 km (34 miles)Đồng bằng Nam Bộ.  Đường phẳng.
15-11-2007Sóc Trăng-Cà Mau115 km (72 miles)Đồng bằng Nam Bộ.  Đường phẳng.
16-11-2007Cà Mau-Rạch Giá128 km (80 miles)Đồng bằng Nam Bộ.  Đường phẳng.
17-11-2007Du lịch đảo Phú Quốc

18-11-2007Du lịch đảo Phú Quốc

19-11-2007Rạch Giá-Châu Đốc119 km (74 miles)Đồng bằng Nam Bộ.  Đường phẳng.
20-11-2007Châu Đốc-Cao Lãnh99 km (62 miles)Đồng bằng Nam Bộ.  Đường phẳng.
21-11-2007Cao Lãnh-Tân An99 km (62 miles)Đồng bằng Nam Bộ.  Đường phẳng.
22-11-2007Tân An-Sài Gòn53 km (33 miles)Đồng bằng Nam Bộ.  Đường phẳng.
Chu vi Xuyên Việt Đồng Bằng Sông Cửu Long dài 788 km (492 miles); Chia ra 9 chặng; Hoàn tất trong 11 ngày.
 
Copyright 2020. All rights reserved.
Back to content | Back to main menu