- Xe Đạp Xuyên Việt

Go to content

Main menu:

Chặng Hà Nội-Sài Gòn
Chặng 16:  Bảo Lộc-Sài Gòn (185 km

Bảo Lộc-Sài Gòn (184 km):  Rời thị xã Bảo Lộc trên Quốc lộ 20 theo hướng Tây-Nam để đi thị trấn Ma Ða Gui, Tân Phú, Ðịnh Quán, thành phố Biên Hòa và Sài gòn.  Bạn sẽ rời vùng Tây Nguyên sau khi qua thị trấn Ma Ða Gui thuộc huyện Ðạ Huoai, Lâm Ðồng, và xâm nhập vào địa phận tỉnh Ðồng Nai nằm trong vùng Ðông Nam Bộ.  Ðây là chặng cuối và là chặng dài nhất trong hành trình xe đạp xuyên Việt Hà Nội-HCM.  Chặng Bảo Lộc-HCM cũng là chặng có khí hậu rất nóng và oi bức.  Bạn có thể tách đôi chặng này để tránh vấn đề kiệt sức, còn không, thì chúng ta phải rời Bảo lộc thật sớm để có thể đến được Thành phố trước khi quá tối.

Bạn sẽ thả dốc phần cuối của Cao Nguyên Lâm Ðồng.  Sau đó, bạn sẽ đi trên vùng đất cao của vùng Ðông Nam Bộ (tỉnh Ðồng Nai) để vào thành phố HCM.  Chúng ta sẽ gặp khá nhiều đồi, đèo, và dốc nhưng chúng không làm chúng ta phải chùng chân, mỏi gối.  Khi đổ hết Ðèo Bảo Lộc thì mọi người sẽ chịu trận sự thay đổi của khí hậu thật ngột ngạt.  Từ một vùng cao có khí hậu mát lạnh, chúng ta xâm nhập tới vùng đất nóng và oi bức.  Hãy nghỉ giải lao thường xuyên để tránh vấn để kiệt sức và mất nước quá nhiều.  Bạn cũng sẽ đi qua nhiều khu vực đông dân cư.  Dù có mệt nhưng đừng quên những "an toàn xa lộ" mà chúng ta đã duyệt trước lúc khởi hành.  Một điều cần thiết cho đoạn đường này là tiền!  Hãy chuẩn bị tiền sẵn trong bị.  Lúc nào tiện thì mua vài trái cam hoặc một vài ly nước mía.  Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng những thức ăn này lại là xăng loại tốt giúp cho cặp giò chúng ta hoạt động không ngừng.  Ðừng nên xơi những thứ trái cây nặng bụng như là mít, sầu riêng...

Quốc lộ 20 kết tại Ngã ba Dầu Giây nằm trong huyện Thống Nhất, tỉnh Ðồng Nai, bạn phải rẻ phải trên Quốc lộ 1A để đi Biên Hòa, Sài Gòn.  Từ Ngã ba Dầu Giây vào tận Thành phố là nơi xe cộ đông đúc, tấp nập.  Nếu các bạn không phải là người quen thuộc với khu vực này thì hãy cố gắng đùm bọc cho nhau.  Ðừng để ai bị thất lạc cả...Hãy thường xuyên hổ trợ tinh thần cho nhau, gắng giữ cho được tình huynh đệ mà mọi thành viên đã vun đắp sau bao nhiêu ngày bên nhau trên quãng đường dài Xuyên Việt.  Khi vào đến nội thành HCM, bạn phải chạy cẩn thận và chú ý hơn.  Ðường sá, nghỏ ngách ở Thành phố thì chi chít, chằng chịt, chẳng theo một hệ thống đơn giản đại số nào.  Xe cộ giao thông trên các con đường thì đặt sệt như mật ong.  Nếu bạn sử dụng loại "clipless pedals" thì nên lưu ý để tránh rơi vào tình trạng luống cuốn, không kịp tháo chân vì phải lạng, lách, tránh, né liên tục.  Tới được Thành phố, bạn sẽ sống trọn vẹn cảm giác sung sướng của sự thành công.  Một sự thành công của nghị lực, sức bền, ý chí.  Lúc này bạn sẽ thấm tâm tình của người nhạc sĩ nào đã viết:  "Ðường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông..."

Xuyên Việt 2011 (xã Phú Sơn-Sài gòn: 144 km):  Dù đoạn đường đã được rút ngắn nhưng sự lên xuống của những con dốc, ngọn đồi và thời tiết oi bức đã ép chúng tôi tăng số lược nghỉ giải lao để tiếp thêm nước và khoáng chất.  Rời xã Phú Sơn lúc trời vừa chạng vạng sáng để được lợi thế về thời gian và khí hậu nhưng chúng tôi cũng phải mất gần 8 tiếng đồng hồ mới vào được nội thành Sài Gòn.  Sài Gòn! tiếng gọi của sự khủng hoảng và căng thẳng hệ thần kinh cho Xe Ðạp Xuyên Việt!  Với dòng xe lưu thông mỗi lúc một dầy đặc từ lúc tẻ phải tại Ngã 3 Dầu Giây để hướng về Sài Gòn thì sự căng thẳng để duy trì những an toàn Xuyên Việt cũng tăng dần theo mỗi vòng xoay của bánh xe.  Càng gần Sài Gòn bao nhiêu thì khoảng cách an toàn giửa ta và mọi phương tiện giao thông trên đường được tính bằng đơn vị so sánh thời trẻ con là "gang tay".  Hãy luôn nhắc nhở nhau bảo vệ sự an toàn của mình để chuyến xe đạp xuyên Việt của các bạn được thành công tốt đẹp.
 
Copyright 2020. All rights reserved.
Back to content | Back to main menu